Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sáng kiến “tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ”, mô hình hay “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”

Hương Giang

Thứ hai, 15/07/2024 - 15:12

(Thanh tra) - Trong thực hiện cải cách hành chính, nhiều cách làm hay đã xuất hiện, như Hậu Giang với sáng kiến “tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ”, còn Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai mô hình “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”.

Trong thực hiện cải cách hành chính, nhiều cách làm hay đã xuất hiện. Ảnh: minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Nhiều sáng kiến mới, cách làm hay trong cải cách hành chính đã được Thủ tướng biểu dương tại phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo, ngày 15/7.

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá trong nửa đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục có những đổi mới, nỗ lực tạo đột phá.

Nhờ đó, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Đơn cử, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Việt Nam cũng xếp thứ 46 trong 132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, ông đặc biệt biểu dương một số điển hình tốt như Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước…

Thêm chính sách đặc thù để cán bộ tự nguyện tinh giản biên chế

Hậu Giang là trường hợp rất đáng chú ý với nhiều sáng kiến mới. Tỉnh đã triển khai giải pháp “Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ”.

Để “tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ”, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao. Đồng thời, tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Để “cán đích” mục tiêu, Hậu Giang đã ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.

Tỉnh ủy cũng triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hằng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.

Đề án được triển khai từ tháng 1/2024, bước đầu đã cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Điều này, chứng tỏ cái thiếu hiện nay là “thiếu người biết làm việc” và có 4 cán bộ đã dự định xin thôi việc.

Hậu Giang cũng triển khai thực hiện mô hình “sử dụng máy tiếp nhận và trả kết quả tự động trong giải quyết thủ tục hành chính” tại TP Vị Thanh và huyện Châu Thành.

Việc triển khai các hệ thống tự động này giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện (ngay cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ), không cần phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục, tiết kiệm được thời gian.

Dự kiến trong năm 2024, Hậu Giang sẽ triển khai Kios thông minh cho tất các cả huyện để phục vụ khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dịch vụ công trực trực tuyến… đặc biệt là các tiện ích mang lại của Luật Căn cước sau ngày 1/7/2024.

Cấp kết quả thủ tục hành chính số gắn với mã QR

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị dành 30 phút đầu giờ mỗi ngày làm việc để tiếp người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh cũng thí điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả không phụ thuộc địa giới hành chính lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực y tế; đưa vào vận hành Mini app Zalo “App BRVT Smart” để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính.

Còn tỉnh Bình Phước triển khai “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số, người dân sử dụng điện thoại thông minh 4G thay thế các điện thoại 2G.

Kết quả chỉ trong hơn 2 tháng (từ ngày 4/4/2024 đến ngày 14/6/2024), Bình Phước đã cấp căn cước công dân cho hơn 8.578/17.464 người cần cấp, đạt hơn 49%; kích hoạt định danh điện tử cho 85.486/334.507 cần kích hoạt (đạt hơn 25%).

Cũng trong hơn 2 tháng, người dân sử dụng điện thoại thông minh 13.946/22.095 cần cấp (đạt hơn 63%); hỗ trợ công dân đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số được trên 200.000 trường hợp, 23,45% công dân trưởng thành của tỉnh đã có chữ ký số.

Trong thực hiện cải cách hành chính, nhiều cách làm hay đã xuất hiện. Thủ tướng biểu dương một số điển hình tốt như Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước… Ảnh: N.Bắc

TP Đà Nẵng thì sử dụng kết quả thủ tục hành chính số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp “dịch vụ công trực tuyến nâng cao”. Theo đó, Đà Nẵng là địa phương duy nhất toàn quốc đến nay triển khai cấp kết quả thủ tục hành chính số gắn với mã QR.

Điều này giúp người dân thuận lợi trong lưu trữ, xuất trình kết quả thủ tục hành chính số, đặc biệt là loại thủ tục cấp phép, các cơ quan Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong quản lý sau cấp phép.

Hơn 10 triệu giấy phép lái xe hiển thị trên VNeID

Trong số các cơ quan Trung ương, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng đánh giá là 1 trong 2 bộ xếp hạng A về cung cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến trong khối các bộ, ngành.

Hiện Cổng Dịch vụ công của bộ này đang cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình (tỷ lệ 53,3%) đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia - vượt chỉ tiêu so với mục tiêu đạt 40% do Uỷ ban Quốc gia về chuyển đối số giao.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là 1 trong 25 dịch vụ công thiết yếu, ưu tiên kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, bộ đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu giấy phép lái xe, kết quả đã có 33,5/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 96,5%) có kết quả trùng khớp với dữ liệu dân cư và 10,2/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 29,4%) hiển thị trên ứng dụng VNeID.

Ngoài ra, bộ triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với khách bay nội địa tại tất các các cảng hàng không trên cả nước và thí điểm xác thực sinh trắc học với các sân bay Nội Bài, Phú Bài, Cát Bi.

Ngân hàng Nhà nước là một điển hình trong triển khai xây dựng khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu bảo đảm khung pháp lý đồng bộ, thống nhất khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024.

Theo đó, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước tập trung vào các nhóm văn bản về: tổ chức, quản trị điều hành của từng loại hình tổ chức tín dụng; an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; hoạt động của tổ chức tín dụng; cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm