Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phó Thủ tướng: Làm tốt kiểm tra, không để tăng lương làm tăng giá bất hợp lý

Hương Giang

Thứ tư, 12/06/2024 - 19:22

(Thanh tra) - Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Bộ Tài chính kiểm tra tình hình giá cả tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... để có hướng xử lý nhanh khi có diễn biến liên quan đến lạm phát, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu làm tốt công tác kiểm tra, không để tăng lương làm tăng giá bất hợp lý. Ảnh: Đ.X

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ khi kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, ngày 12/6.

Giá hàng hóa đang diễn biến theo kịch bản

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, giá hàng hóa, thị trường trong nước đang diễn biến theo kịch bản. Đó là, đầu năm tăng cao do vào dịp Tết Nguyên đán, đến tháng 3 có xu hướng giảm và giữa năm ổn định.

“Với mức tăng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm, diễn biến thị trường đúng theo quy luật thì có thể kiểm soát tốt lạm phát”, theo lãnh đạo Chính phủ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,78%, so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng mặt hàng chiến lược như xăng dầu, theo Bộ Công thương, giá trong nước cơ bản có xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm, sau đó giảm trở lại từ cuối tháng 5. Giá xăng R92 - mặt hàng tiêu dùng phổ biến đã về tiệm cận với mức giá cùng kỳ năm 2023.

Tác động của các mặt hàng xăng dầu lên kinh tế vĩ mô không đáng kể, đại diện Bộ Công thương nhận định.

Với mặt hàng điện, giá bán lẻ bình quân sau khi được điều chỉnh hiện ở mức 2.006,79 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế VAT). Hiện Bộ Công thương đang kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và xây dựng thông tư hướng dẫn tính toán giá bán lẻ điện bình quân.

Khi hai nội dung này được hoàn chỉnh, Bộ Công Thương sẽ có căn cứ để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân, trình Chính phủ.

Cải cách tiền lương có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát

Những tháng còn lại của năm, theo dự báo có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Bên cạnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ giáo dục; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá điện; giá vé máy bay), Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lưu ý, giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, giá gạo… có thể biến động, gây áp lực lên lạm phát.

Thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công và tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp từ 1/7 cũng có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên.

Nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá được Thứ trưởng Bộ Tài chính điểm ra. Theo ông Cận, lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm này, từ đó giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”.

Sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, chủ động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm nay vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, dự kiến giảm thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ...

Việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, sẽ góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Ngoài ra, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Nêu rõ áp lực lạm phát những tháng còn lại của năm 2024 vẫn thường trực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời.

Tinh thần được lãnh đạo Chính phủ quán triệt là phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%; bảm bảo thông suốt việc cung ứng và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

“Nhu cầu có mà hàng thiếu thì giá dứt khoát tăng; sản xuất thừa, nhu cầu không đáp ứng thì lãng phí cho xã hội. Do đó, các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối cho tốt, không để tăng giá, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu và chiến lược lớn, có tác động lớn đến chỉ số CPI”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thanh tra, kiểm tra việc niêm yết thực hiện quy định về giá

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo thẩm quyền cho phù hợp, trong đó nêu rõ mức độ, thời điểm tăng giá và phải phối hợp với Tổng cục Thống kê các cơ quan có liên quan đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng.

Cụ thể, ba ngành: Y tế (liên quan đến dịch vụ khám, chữa bệnh), Giáo dục (liên quan tới học phí giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và Điện lực có báo cáo đề xuất lộ trình để Ban Chỉ đạo tham mưu Thủ tướng.

Đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ phải nêu rõ thời điểm, lộ trình và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng quán triệt.

Trước bối cảnh tâm lý kỳ vọng rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá.

Trong đó, ông lưu ý, phải kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương; phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…

“Cái gì chúng ta kiểm soát được thì kiểm soát chặt, cái gì thị trường quyết định thì phải theo sát để có những cơ chế phù hợp, như xăng dầu hiện nay phải bình ổn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ông một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải đặc biệt lưu ý về công tác quản lý, điều hành giá trong tháng 7 (thời điểm tăng lương) để vừa thực hiện được chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Bộ Tài chính được giao kiểm tra tình hình giá cả tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để có hướng xử lý nhanh khi có diễn biến liên quan đến lạm phát.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm