Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Kết luận thanh tra không được để chậm, muộn, quá hạn

Thứ ba, 12/12/2017 - 18:45

(Thanh tra) - Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra, 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân ngày 12/12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu “kết luận thanh tra phải đúng, khách quan, minh bạch, rõ ràng, xác định rõ, cụ thể mức độ sai phạm, từ đó có kiến nghị xử lý, không được để chậm, để muộn, để quá hạn”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TN

Kiến nghị kỷ luật hơn hơn 33.300 cá nhân

Công tác thanh tra có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Từ khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành đi vào cuộc sống, công tác thanh tra đã có những chuyển biến tích cực nhiều mặt.

Giai đoạn từ 1/7/2011 đến 30/6/2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 47.449 cuộc thanh tra hành chính và 1.263.311 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 191.929 tỷ đồng và 29.428 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 159.474 tỷ đồng, 14.564 ha đất.

Toàn ngành Thanh tra cũng kiến nghị xử lý kỷ luật hơn 8.500 tập thể, hơn 33.300 cá nhân; xử phạt hành chính 27.333 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 464 vụ, 583 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Theo Thanh tra Chính phủ, các cuộc thanh tra do cơ quan thanh tra của bộ, ngành, địa phương tiến hành về cơ bản đúng tiến độ, thời gian quy định.

Song một số cuộc thanh tra có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, việc tiến hành thanh tra thường không bảo đảm thời gian quy định.

Thanh tra Chính phủ cho hay, các cuộc thanh tra chậm tiến độ chủ yếu là những cuộc thanh tra về đất đai hoặc những cuộc thanh tra có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và thường chậm ở giai đoạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.

Phải khách quan, minh bạch, rõ ràng

Ghi nhận những kết quả đã được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, hoạt động thanh tra còn những mặt hạn chế, tồn tại cần phải được làm rõ và có những việc phải làm ngay để đáp ứng mong đợi của người dân, và thực tiễn trong quản lý Nhà nước.

Ngành Thanh tra cần phải triển khai đúng, kịp thời, có hiệu quả kế hoạch thanh tra được phê duyệt; phối hợp với kiểm tra, kiểm toán để tránh chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Từng cuộc thanh tra phải xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, đề cương tiến hành, phân công trách nhiệm công việc cụ thể, phù hợp cho từng thành viên đoàn thanh tra.

Đồng thời, thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra, thực hiện nghiêm túc quy định về nghiệp vụ, đạo đức khi thanh tra.

“Kết luận thanh tra phải đúng, khách quan, minh bạch, rõ ràng, xác định rõ, cụ thể mức độ sai phạm, từ đó có kiến nghị xử lý. Không được để chậm, để muộn, để quá hạn trong hoạt động thanh tra và ban hành kết luận thanh tra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, có kết luận thanh tra rồi, có kiến nghị yêu cầu xử lý rồi thì phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện sau thanh tra.

“Có trường hợp kết luận thanh tra rồi, kiến nghị xử lý rồi, vài năm sau kiểm tra lại, báo cáo đã xử lý nghiêm nhưng nghiêm như thế nào thì không biết kết quả đến đâu, từ đó, làm giảm hiệu lực hiệu quả thanh tra”, ông Trương Hòa Bình nói.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm cũng cho hay, có những cuộc thanh tra đã có kết luận, nhưng đối tượng thanh tra không thực hiện, còn cơ quan thanh tra lại không kiểm tra.  Hơn nữa, thực tế, có nhiều vụ để “vỡ” rồi mới tiến hành thanh tra nên rất phức tạp. Cho nên, cần phát huy vai trò chủ động tham mưu theo định kỳ, thường xuyên, đột xuất của cơ quan thanh tra.

Còn kết luận thanh tra có lúc chưa phù hợp với thực hiện, do đó không thống nhất được giữa cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra. Theo Thượng tướng, có nguyên nhân là do quy định pháp luật “đấu nhau”.

Quyền thanh tra lại chưa phát huy hiệu quả

Về Luật Thanh tra, theo Phó Thủ tướng, thực tiễn thi hành 6 năm qua thấy, còn những vấn đề để trống; còn những vấn đề chưa được xử lý toàn diện, sâu sắc, triệt để hay còn những quy định chưa rõ, cụ thể… Cho nên, cần phải tổng kết xem có những hạn chế, bất cập gì để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Mô hình của cơ quan thanh tra đã đáp ứng yêu cầu đầy đủ chưa? Phải chăng, cơ quan thanh tra chỉ tham mưu mà không có tính chất tài phán?

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Luật cho phép, thanh tra thực hiện các biện pháp chế tài như niêm phong tài sản, tạm đình chỉ… Nhưng cần nghiên cứu kỹ lại xem, những quy định về chế tài này đủ chưa.

"Khi tiến hành các cuộc thanh tra, chúng ta đã hiểu đúng chưa, vận dụng, thực hiện đúng chưa hay có việc không thực thi hết quyền của thanh tra mà luật cho phép, thậm chí cố tình hiểu sai để kết luận thanh tra không được đầy đủ, làm hạn chế kết quả của cuộc thanh tra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, nếu quy định có rồi mà chưa minh bạch cần sửa đổi theo hướng minh định rõ ràng để khi áp dụng không hiểu sai. Còn kiến nghị liên quan đến mô hình của cơ quan thanh tra cần phải nghiên cứu cân nhắc, thận trọng bảo đảm phù hợp với thể chế, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Nêu thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng ví dụ, quyền quyết định thanh tra lại vụ việc nếu phát hiện nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được quy định trong Luật, điều này thể hiện vị thế, quyền hạn của cơ quan thanh tra. Nhưng qua 6 năm triển khai, quyền này chưa phát huy, khiến hiệu quả giải quyết vụ việc chưa cao.

”Do phải triển khai nhiều nhiệm vụ đột xuất, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra có phần hạn chế về số lượng, chất lượng, chưa có đủ thời gian nghiên cứu để hoạt động thanh tra đi vào chiều sâu, mặt khác cũng thiếu cơ chế cụ thể để tổ chức quyền này trong thực tiễn”, ông Mạng nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị, quá trình nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 cần xây dựng quy định chi tiết đối với quyền hạn của thanh tra, để tạo sở sở pháp lý vững chắc khi áp dụng vào thực tiễn.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm