Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 25/06/2024 - 13:56
(Thanh tra) - Công chứng là dịch vụ công do Nhà nước làm, hoặc xã hội hóa do các tổ chức tư nhân làm với các điều kiện bắt buộc nhất định thì không thương mại hóa, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu lý do quy định cấm công chứng viên quảng cáo. Ảnh: P.Thắng
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), sáng 25/6.
Đề nghị bỏ quy định cấm công chứng viên quảng cáo
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập đến điểm e khoản 1 Điều 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành nghiêm cấm công chứng viên “quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình”.
“Tôi thấy rằng, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định. Nội dung nghiêm cấm như dự thảo luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động”, ông Thông phát biểu.
Ông Thông đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị bỏ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình. Theo ông, quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên.
Làm rõ lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quy định này xuất phát từ cách tiếp cận công chứng là dịch vụ công.
“Dịch vụ công do Nhà nước làm, hoặc xã hội hóa do các tổ chức tư nhân làm với các điều kiện bắt buộc nhất định thì không thương mại hóa”, theo lãnh đạo Chính phủ.
Ông Lê Thành Long nhấn mạnh, luật không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng, mà chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật nêu rõ, công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên thực hiện để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội.
“Nhà nước giao cho công chứng viên một phần quyền năng của mình để thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch”, Bộ Tư pháp nêu.
Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho rằng, việc quảng cáo về dịch vụ này như với các sản phẩm, dịch vụ thông thường là không phù hợp. Thay vào đó, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải tự xây dựng giá trị và sức hút của mình bằng uy tín nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.
Theo Bộ Tư pháp, Luật Công chứng hiện hành và dự thảo luật chỉ cấm quảng cáo về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa là không được quảng cáo trên các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/cổng thông tin điện tử .
“Trường hợp cần thông tin rộng rãi về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thì vẫn còn nhiều hình thức phù hợp khác như xây dựng các website của tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hoặc tham gia các chương trình tuyên truyền, giải đáp, giáo dục pháp luật….”, cơ quan chủ trì soạn thảo luật giải trình.
Bộ Tư pháp cho biết thêm, các thông tin cần thiết về công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng vẫn thường xuyên được các Sở Tư pháp cập nhật, công bố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu.
Có nên cho lập văn phòng công chứng chỉ 1 công chứng viên?
Nội dung nữa, dự thảo luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng.
Bảy tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói, ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với 2 công chứng viên là “không cần thiết”.
Ông đề nghị, bên cạnh loại hình công ty hợp danh thì ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nên chăng được thành lập thêm loại hình văn phòng công chứng 1 công chứng viên (loại hình doanh nghiệp tư nhân).
“Một công chứng viên đã khó rồi, hai lại càng khó hơn. Do thành lập thu nhập không cao, lại phải trả lương cho công chứng viên hợp danh là điều không thể cho nên không công chứng viên nào dám thành lập văn phòng công chứng ở những nơi đây”, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng quan điểm với ông Thông.
Theo ông, tuỳ điều kiện thực tế mà có cho phép thành lập văn phòng công chứng một thành viên. “Với đô thị thì quy định như dự thảo, phải có từ hai công chứng viên trở lên”, ông Hòa góp ý.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Nếu cho phép lập mô hình văn phòng công chứng tư nhân do 1 công chứng viên thành lập, cho dù là chỉ thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì cũng cần cân nhắc”.
Theo bà Hạnh, văn phòng công chứng tư nhân do một công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng công chứng viên hợp đồng không thể chịu trách nhiệm pháp lý với hoạt động của văn phòng công chứng.
“Trước đây, TP Hồ Chí Minh từng có văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập ở một huyện xa TP, thường xuyên xảy ra tình trạng văn phòng đóng cửa, chậm mở cửa vì những lý do cá nhân, gây ách tắc trong công chứng hợp đồng, giao dịch của người dân, bị người dân thường xuyên phản ánh về Sở Tư pháp”, bà Hạnh nêu thực tế.
Tư phân tích của mình, bà Hạnh cho rằng chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng với các cơ quan, tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, nhưng sau đó khi tổng kết thực hiện thấy không phù hợp.
Theo ông, hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên với một tổ chức hành nghề nên cơ bản đáp ứng yêu cầu.
“Đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét, quyết định mô hình của văn phòng công chứng”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 25/11/2024, Tổng cục Hải quan tổ chức lễ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Chu Quang Hải, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Nghệ An giữ chức Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị.
Minh Tân
20:39 25/11/2024(Thanh tra) - Ngày 25/11, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị công bố quyết định về việc điều động ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đến nhận công tác và giữ chức vụ Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Nam Dũng
16:31 25/11/2024Hương Giang
16:06 25/11/2024Hương Giang
15:32 25/11/2024Hương Giang
15:31 25/11/2024Hương Giang
12:06 25/11/2024Phương Anh
Lê Phương
Nhóm PV
T.Thanh
Minh Tân
Hương Giang
Nam Dũng
T.Thanh
Hoàng Nam
Phương Anh
Hải Viên