Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển hàng hải phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ ba, 23/06/2015 - 06:30

(Thanh tra)- Thảo luận tại hội trường Dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) hôm nay (22/6), nhiều đại biểu (ĐB) nhấn mạnh, phát triển giao thông hàng hải không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển nền kinh tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển...

ĐB Chu Sơn Hà lưu ý, phải coi trọng duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển. Ảnh: Thảo Nguyên

Thu hút doanh nghiệp, tiến tới “xuất khẩu” thuyền viên

Để tạo điều kiện, động lực thúc đẩy ngành Hàng hải phát triển mạnh mẽ, toàn diện tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về biển của nước ta, Dự thảo Bộ luật đã bổ sung một số chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hàng hải, phát triển đội tàu và nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực hàng hải...

Bày tỏ sự đồng tình, ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nhấn mạnh, hiện nay toàn bộ container của Việt Nam xuất đi Âu, Mỹ đều phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Công. Chúng ta phải thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các hãng tàu lớn sẽ là khách hàng lớn trong tương lai để chúng ta không cần phải trung chuyển nữa và tiến tới trở thành điểm trung chuyển quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng lưu ý, các chính sách phát triển hàng hải cần có sự đồng bộ. Chẳng hạn về nguồn nhân lực cần có chính sách từ khâu đào tạo, tuyển dụng đến đãi ngộ đối với thuyền viên để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới “xuất khẩu” đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp quốc tế về hàng hải. Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý để đưa hoạt động này đi vào nền nếp; tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Liên quan mô hình quản lý và khai thác cảng biển, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông lệ quốc tế, đây là cơ quan được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước tại khu vực cảng biển. “Đó là mô hình mới, phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhưng theo tôi không phải cảng nào cũng cần thành lập mô hình này mà chỉ các cảng loại 1”, ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Dẫn chứng cảng Cái Mép - Thị Vải có đến 6 chủ đầu tư mỗi “ông” quản lý vài trăm mét bờ nước, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, nếu thành lập một ban quản lý nữa để quản 6 chủ đầu tư kia thì phải tính cách nào đó để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường”.

Không để lợi dụng quyền tự do trên biển để xâm hại chủ quyền

Dự thảo Luật quy định nghiêm cấm việc ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển. ĐBQ Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, nếu không quy rõ nội dung này có thể dẫn đến bị lợi dụng việc đi lại tự do trên biển để xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam. “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận quyền qua lại, không gây hại của tầu thuyền nước ngoài ở vùng lãnh hải 12 hải lý, mà không quy định đó là tàu chiến hay tàu hàng. Bởi vậy, một số quốc gia đã triệt để lợi dụng tính chất nửa vời này, để vi phạm chủ quyền trên biển của quốc gia khác. Tôi đề nghị cần có sự thống nhất giữa các luật và cần quy định chặt chẽ hơn về nội dung này”, ĐB Đinh Thị Phương Lan nói.

ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với chuyên ngành này, phải củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành quản lý hàng hải. Đồng thời, phải coi trọng duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Về việc quy định thanh tra hàng hải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hàng hải, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng) tán thành nhưng cho rằng, dự thảo chưa quy định cụ thể vị trí pháp lý của cơ quan thanh tra hàng hải là cơ quan thanh tra chuyên ngành trực thuộc đơn vị nào? Theo ĐB, cần quy định rõ, thanh tra hàng hải là cơ quan của Cục Hàng hải giúp Cục trưởng Cục Hàng hải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước Quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì theo quy định của pháp luật về thanh tra, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành, lĩnh vực. Theo đó, Bộ luật nên quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải thực hiện, mà không nên quy định về thanh tra hàng hải để bảo đảm thống nhất với pháp luật về thanh tra.

Cùng ngày, QH cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thống kê (sửa đổi).

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm