Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 26/03/2021 - 16:48
(Thanh tra) - “Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh túy, tinh hoa, đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần tuý”, ông Dương Trung Quốc thấy hết sức làm tiếc khi nhiều vị đại biểu Quốc hội phải dừng lại không được giới thiệu ứng cử khoá mới chỉ vì tuổi tác.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Đ.X
Hôm nay (26/3), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Làm sao để người dân giám sát được đại biểu Quốc hội?
Mở đầu, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, đây là phát biểu cuối cùng của ông ở nghị trường sau 20 năm làm đại biểu Quốc hội.
“Thời gian không cho phép để tôi tiếp lời các vị đại biểu đã phát biểu trước khẳng định những thành tựu, đóng góp, dấu ấn của Quốc hội khóa XIV này. Chắc chắn Quốc hội khóa XIV, những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn phải hướng về phía trước, theo kịp thời đại.
Nhưng tôi muốn nói những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở sau lưng mình nếu ý thức được rằng chúng ta kế thừa truyền thống của dân tộc, Tổ tiên, truyền thống của Quốc hội, của các bậc tiền nhiệm”, ông Quốc nói.
Là người tham gia hoạt động Quốc hội khá lâu, cũng tham gia nghiên cứu lịch sử Quốc hội với tư cách một người làm báo, ông muốn tiếp cận từ góc độ đó.
“Chúng ta rất tự hào những gì làm được, nhưng soi lại các bậc tiền nhân thì phải suy nghĩ”, đại biểu đoàn Đồng Nai nêu và nhắc lại Quốc hội khoá 1 được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập.
“Chúng ta đã tập hợp được những ý chí, giá trị đương đại nhất”, ông Quốc nói tiếp và nhắc đến vị đại biểu Quốc hội cao niên nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng, hay đại biểu trẻ tuổi nhất là nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Ông cho hay, khi đó Quốc hội họp ở Nhà hát Lớn, nhưng giành toàn bộ tầng trên cùng để báo chí và mọi người dân xem.
Từ đó, đại biểu mong ngày không xa người dân được vào nhà Quốc hội không chỉ để tham quan mà còn được quan sát hoạt động của Quốc hội, bên cạnh theo dõi qua công nghệ như truyền hình…
Ông cũng đề cập đến ứng dụng công nghệ vào việc bấm nút khi biểu quyết nhưng “không bao giờ ai được biết chính kiến của từng đại biểu Quốc hội” dù việc biểu quyền trong Hiến pháp quy định là công khai.
“Chúng ta chỉ có con số vô nhân xưng thôi! Con số đó, tôi tin là rất chính xác. Nhưng người dân làm sao giám sát được đại biểu Quốc hội của mình chính kiến như thế nào để tiếp tục tín nhiệm”, ông Quốc nêu.
Ông cho rằng, với ứng dụng công nghệ chúng ta hoàn toàn có thể hiển thị được chính kiến của đại biểu khi biểu quyết.
Đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính
Với chất vấn và trả lời chất vấn, theo đánh giá của đại biểu Dương Trung Quốc đã có “rất nhiều thay đổi”, đặc biệt được tiếp sóng bởi các phương tiện thông tin mang lại niềm tin cho người dân.
Nhưng ông Quốc thấy băn khoăn khi Quốc hội chưa chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước như trước đây. “Những nhân vật ấy, tiếng nói ấy có vai trò cực kỳ quan trọng làm cho người dân tin tưởng hơn về bộ máy Nhà nước”, đại biểu đoàn Đồng Nai đề cập.
Một vấn đề nữa được đề đến là giám sát mà theo ông “rất quan trọng” nhưng nhiều khi chứng kiến những đại án diễn ra mà những nhân vật, sự việc có liên quan từng tồn tại ở trong thực tiễn mà nhiệm kỳ Quốc hội ấy không đề cập đến.
“Nếu chúng ta sáng suốt, phát hiện được thì sẽ ngăn chặn được hạn chế, thất thoát về tiền bạc, nhân lực. Tôi cho rằng, mỗi thành công của Chính phủ đúng là có vai trò của Quốc hội, nhưng mỗi thất bại của Chính phủ, sai sót của Chính phủ cũng có trách nhiệm của Quốc hội. Những đại án ấy có trách nhiệm của Quốc hội, ít nhất Quốc hội của nhiệm kỳ ấy”, ông Quốc thẳng thắn.
Cuối cùng đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ, năm nay ông đã 75 tuổi, tổ chức nơi ông công tác vẫn đề cử ông ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV nhưng ông xin rút vì tuổi đã cao.
“Chắc chắn tuổi tác đi ngược lại với sức khoẻ và sự sáng suốt”, ông Quốc nói. Tuy nhiên, ông mong muốn Quốc hội nên tận dụng những đại biểu Quốc hội chuyên trách có kinh nghiệm, trí tuệ dù cho họ đã quá tuổi.
“Đừng biến Quốc hội thành cơ quan hành chính, đặc biệt với đại biểu chuyên trách những người làm toàn vẹn cho Quốc hội và họ đã có tích lũy về mặt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng và đặc biệt là tích luỹ uy tín. Tích luỹ uy tín thì phải có thời gian.
Tôi thấy hết sức làm tiếc nhiều vị phải dừng lại chỉ vì tuổi tác. Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh túy, tinh hoa, đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần tuý”, ông nói.
Một số đại biểu chuyên trách làm việc cho Quốc hội nhưng không “ăn cơm” Quốc hội
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), nhiệm kỳ qua có một số đại biểu chuyên trách được biệt phái từ các cơ quan của Chính phủ.
“Có một số đại biểu chuyên trách làm việc cho Quốc hội nhưng không "ăn cơm" Quốc hội. Việc đề bạt, cân nhắc vẫn do cơ quan Chính phủ trực tiếp quyết định. Như vậy, làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội”, ông Hùng nói.
Ông đề nghị các nhân sự được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ chính sách của đại biểu sẽ được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác để phòng ngừa tình trạng “làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung”.
Đại biểu Hùng cũng đề nghị để tạo điều kiện cho người dân giám sát Quốc hội, hoạt động của Quốc hội cần công khai minh bạch nhiều hơn nữa thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình phát thanh.
Ông cho hay nhiều cử tri bày tỏ mong muốn được theo dõi hơn nữa các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đặc biệt là hoạt động của các kỳ họp Quốc hội
“Dù Quốc hội có hẳn một kênh truyền hình riêng nhưng thời lượng truyền hình trực tiếp các hoạt động của Quốc hội khá khiêm tốn”, ông nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh