Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 31/12/2021 - 06:51
(Thanh tra)- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cuộc bầu cử “đặc biệt”; kiện toàn nhân sự cấp cao; kiểm soát dịch COVID-19, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”… là những sự kiện nổi bật trong năm 2021.
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên, chúng ta không chỉ xác định phương hướng phát triển cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo mà còn định hướng chiến lược phát triển cho 10 năm 2021- 2030 và tầm nhìn tới năm 2045, nhằm vạch một cột mốc quan trọng, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công rất tốt đẹp
Ngày 26/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc với sự tham dự của 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước.
Cuối tháng 1, đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 bùng phát, Đại hội Đảng đã quyết định rút ngắn chương trình nghị sự để tạo điều kiện cho các đại biểu về địa phương chống dịch.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng; bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, với 180 Uỷ viên chính thức, 20 Uỷ viên dự khuyết.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư.
Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự thành công rất tốt đẹp và đề nghị, sớm đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. “Mai kia có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc của nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”, Tổng Bí thư nói.
Cuộc bầu cử “đặc biệt” - trọn vẹn “ngày hội non sông”
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra thành công, thực sự là “ngày hội non sông” của đất nước.
Ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri đã thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng đi bỏ phiếu, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh và TP; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện; và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.
“Cuộc bầu cử lần này rất đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, TP của cả nước, khiến nhiều nơi phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.
Kiện toàn nhân sự cấp cao bộ máy Nhà nước
Sau khi cử tri bầu ra người đại diện cho mình, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021), Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn 4 thẩm phán TAND Tối cao.
Với sự thống nhất và tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội cũng phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Thẩm phán TAND Tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử
Để thắng lợi trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn xác định vaccine là “vũ khí lợi hại nhất”.
Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “ngoại giao vaccine” đưa hàng triệu liều vaccine và trang thiết bị y tế về Việt Nam.
Tính đến giữa tháng 12, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ 211 triệu liều vaccine; đã tiếp nhận hơn 156 triệu liều. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt ít nhất hơn 96%, tiêm đủ 2 liều trên 76%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới. Với người từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng tiêm được 6,4 triệu liều.
Với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vaccine phòng COVID-19”, Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2021 hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022, hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Gói an sinh xã hội “chưa có tiền lệ”
Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi liền với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.
Đầu tiên, ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói chính sách này dự toán 26 nghìn tỷ đồng, nhưng đã giải ngân vượt, tính đến đầu tháng 12 đạt 29 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đó, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 38 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 12/2021 việc giải ngân tiền hỗ trợ cơ bản hoàn thành.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là những quyết sách “chưa có tiền lệ”, được ban hành trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.
Một năm hai lần kiểm soát dịch COVID-19
Trải qua bốn đợt dịch COVID-19, Việt Nam ghi nhận hơn 1,4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 27.000 người tử vong, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ, gây thiệt hại cho nền kinh tế 507 nghìn tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.
Trong đó, đợt dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4) với biến chủng Delta bùng phát ở tỉnh, thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong đợt dịch này, cả nước chứng kiến đợt dịch chuyển lao động chưa từng có, ước tính khoảng 1,3 triệu người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê.
Đợt dịch này, trong thời gian ngắn, đã điều động một lực lượng lớn chưa từng có với khoảng hơn 300 nghìn lượt y bác sỹ, công an, quân đội… hỗ trợ cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... thực hiện xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết 30, trong đó cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Với quy định này, dịch bệnh được phân làm 4 cấp độ theo màu sắc khác nhau, tương ứng với đó là các biện pháp phòng chống phù hợp.
Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. An ninh, trật tự, an toàn, an dân, quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh…
Phục hồi, phát triển kinh tế để đất nước không “lỡ nhịp” với thế giới
Do dịch COVID-19, lần đầu tiên tăng trưởng GDP quý III năm 2021 giảm 6,17% - đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP cả năm 2021 chỉ đạt 2 - 2,5% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 6%).
Trong bối cảnh đại dịch, Thủ tướng 2 lần họp với cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương (vào ngày 8/8 và 26/9); làm việc với doanh nghiệp châu Âu, Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam… để lắng nghe, bàn các giải pháp hỗ trợ.
Nhiều quyết sách đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để tháo gỡ các “rào cản”, khơi thông mọi nguồn lực; cũng như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021; giảm giá điện, tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet… hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Dự báo dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, biến chủng Omicron đặt ra thách thức mới, chưa kể có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Để Việt Nam không “lỡ nhịp”, lỡ cơ hội, tụt hậu với thế giới, Chính phủ đã gấp rút xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến, tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình này.
“Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đầu tháng 12/2021.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 4, Trung ương thống nhất tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khẳng định cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Trong năm 2021, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao có sai phạm được xử lý nghiêm minh như trường hợp ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; loạt tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hay nhiều lãnh đạo Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nhiều đại án được đưa ra xét xử như vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án “đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân.
Hương Giang
21:08 30/10/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 30/10, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó có việc xử lý cán bộ, thu hồi tài sản, bắt người bỏ trốn ra nước ngoài liên quan tham nhũng
Hương Giang
18:29 30/10/2024Hương Giang
16:13 30/10/2024Hương Giang
16:12 30/10/2024Hương Giang
13:16 30/10/2024Hương Giang
11:10 30/10/2024Trần Quý
Theo Chinhphu.vn
Phương Thảo
T.Thanh
Phương Anh
N. Phê - L. Bình