Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 28/04/2015 - 06:31
(Thanh tra- )Đối với những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - Mùa Xuân năm 1975 thì những ký ức hào hùng về những chiến công, về ngày toàn thắng, non sông thu về một mối ấy không bao giờ phai mờ…
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Nhường từng hạt ngô giống ủng hộ cách mạng
Rất nhiều câu chuyện tình quân dân cảm động dọc đường chiến đấu đã tạc ghi cùng lịch sử. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 kể: Sau khi giải phóng Khe Sanh năm 1969, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ thọc sâu vào sông Ba Lòng (Quảng Trị) tìm chỗ hiểm yếu sau lưng địch để tiêu diệt. Một trung đội trinh sát do tôi chỉ huy nhận nhiệm vụ lên đường. Đúng 1 tuần, đội trinh sát mới đến được sông Ba Lòng. Nhưng đường quá xa, lương thực chuẩn bị mang theo không còn, anh em phải nhịn đói hơn 1 ngày đường. Khó khăn chồng chất khó khăn mà nhiệm vụ được giao vẫn chưa hoàn thành.
Lúc đó, một chiến sĩ trong đoàn phát hiện ra vài nương nhỏ của đồng bào quanh khu vực sông. Thêm một ngày đường đi sâu vào các hốc núi, đoàn mới phát hiện ở núi phía Tây của Động Toàn có 20 hộ dân người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều sinh sống. Nghe bộ đội trên đường hành quân, hết sạch lương thực, dù nhiều năm phải đốt cỏ tranh ăn thay muối, đào củ ăn thay gạo, các hộ dân nơi đây vẫn gom tất cả ngô giống chuẩn bị cho mùa sau ủng hộ cách mạng. "Chính hành động của bà con đã thôi thúc những người cầm súng như chúng tôi phải xung trận, đánh thắng kẻ thù, giành độc lập về cho dân tộc”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy quả quyết.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng không sao quên được những ngày gắn bó ở chiến trường Tây Nguyên. Để chặn nguồn tiếp tế về người, lương thực cho Tây Nguyên địch dội bom làm tê liệt con đường huyết mạch 559; chặt đứt được bầu sữa miền Bắc và miền Nam tiếp tế cho bộ đội chủ lực. Địch hả hê cho rằng, chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta sẽ thất bại. Nhưng Mỹ, ngụy nhầm to.
Hơn 1 năm trời gần như không nhận được tiếp tế, bộ đội phải ăn cháo thay cơm rồi cháo cũng chẳng có phải ăn rau rừng, củ rừng mà vẫn đủ sức diệt thù. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói, “đó là nhờ đồng bào dân tộc ở không vào ấp chiến lược nhường những nguồn lương thực cuối cùng của mình cho cán bộ. Không chỉ vậy, những lúc bộ đội ốm đau, bệnh tật luôn có những “món quà” từ “hậu phương” gửi đến với hy vọng bộ đội phải khỏe để chiến đấu. Họ chấp nhận hy sinh tất cả để dồn cho bộ đội để rồi khi đường Trường Sơn được nối liền, quân và dân nhận được tiếp tế đã làm nên những trang sử hào hùng tại chiến trường Tây Nguyên này”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh: Ta có thành quả như ngày nay là nhờ xương máu của biết bao người đã hy sinh. Bây giờ xương cốt họ vẫn nằm ở đó. Chúng ta không được phép quên và lãng quên. Ảnh: Thảo Nguyên
Những má anh hùng
Không chỉ “nhường cơm, sẻ áo”, những người dân bình thường còn sẵn sàng không tiếc sức khỏe, tính mạng của mình để bảo vệ an toàn cho bộ đội trong vùng địch.
Như những thước phim quay chậm, ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong nhớ lại: “Năm 1972, tôi được cử vào sâu trong vùng địch lấn chiếm tại Khánh Hòa, Phú Yên để tổ chức lực lượng, chuẩn bị quét sạch địch”.
Vào một buổi chiều muộn tháng 4 năm ấy, khi đang ẩn náu ở hầm trong nhà thì một toán lính ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy ập đến. Lùng sục một hồi chúng phát hiện ra chiếc hầm bí mật ở ngoài vườn. “Lúc đó, tôi nằm hầm trong nhà, anh chủ nhà là Ba Hổ đang nấp trên mái nhà nghe rất rõ lời của viên cố vấn nói rằng ngoài vườn có hầm, trong nhà chắc chắn có Việt cộng nằm vùng, phải lục soát và bắt cho bằng được. Trong tình thế nguy cấp ấy, anh Ba Hổ đã nhảy xuống đất, quyết nạp mạng cho địch để bảo vệ tôi, bảo vệ cách mạng. Dù bị tra tấn vô cùng dã man, anh Ba Hổ quyết không khai nơi ẩn nấp của cán bộ”. Trầm tĩnh chờ cơn xúc động qua đi, ông Liên kể tiếp: “Không thể trốn trú trong nhà được nữa, ngay đêm hôm đó, chú của anh Ba Hổ nửa đêm đã ra mộ tổ, làm lễ đào mồ, di chuyển một bộ hài cốt để khoét một hầm bí mật giấu tôi. Sau 3 ngày ẩn nấp ở nghĩa địa, tôi mới thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong sự truy lùng gắt gao của kẻ địch”.
Với những ngày nằm vùng tại Khánh Hòa, ông Liên cũng không sao quên được những ân tình mà cả nhà bà Bảy Máy (ở huyện Ninh Hòa) dành cho cách mạng. Khi nhận nhiệm vụ đưa một sinh viên từ Đà Nẵng gặp một sĩ quan biệt động ở quân trường Dục Mỹ để bàn những vấn đề quan trọng liên quan đến chiến dịch sắp tới, ông trú tại ở nhà má Bảy. “5 giờ sáng, mật thám của địch phát hiện được và ập đến nhà. Chúng tôi kịp ôm súng nấp vào thùng chứa lúa giữa nhà. Để đánh lạc hướng địch má Bảy đã mời bọn lính Mỹ, ngụy xuống nhà dưới ăn nhậu. Sau này mới biết, má nói với hai cô con gái đang tiếp "khách” dưới nhà rằng, "chúng bay đã lớn rồi, biết làm điều phải, điều quấy không cần phải hỏi”, ông Liên chia sẻ, nói câu này có nghĩa má đã chấp nhận tất cả, kể cả là hy sinh.
Thời gian sau, địch phát hiện ra những chiếc hầm bí mật, đã bắt giam cả 3 mẹ con má Bảy ở Chí Hòa. Sau một thời gian dài tra tấn dã man, địch không khai thác được gì nên đã thủ tiêu 3 má con vào ngày 29/4/1975.
Đoàn cán bộ, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tìm hiểu truyền thống bất khuất của quân và dân miền Nam tại Đền Bến Dược, TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Đoàn cán bộ, học viên chụp ảnh với lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.H.A
Ngã xuống trước “ngưỡng cửa” hòa bình
Để làm nên khúc ca chiến thắng đằng sau nó là những nốt lặng buồn. Nhờ sự anh dũng, quên mình, Đại đội 9 - Đại đội Anh hùng (thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Quân đoàn 2) luôn được giao nhiệm vụ khó. Trung úy Trương Văn Lương cho biết, đi liền với chiến công là bao nhiêu hy sinh, mất mát của biết bao người.
Trận đánh ở Trung Kiên, Nhan Biều 3 và Bắc sông Thạch Hãn, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 9 đã ngã xuống, trong đó có Chính trị viên Đại đội Lê Khắc Vận, Trung đội trưởng Nguyễn Thanh Hà.
Hay tại trận đánh ở Sân bay Hàm Tân (Bình Tuy, Bình Thuận), Đại đội phó Nguyễn Văn Dân đã nằm lại chiến trường trước ngày đất nước ca bài ca thống nhất 1 tuần. "Trên đường Nam tiến, đồng chí Dân được đặc cách ghé về thăm nhà, vì đơn vị hành quân qua quê Quảng Ngãi. Dù được nghỉ lâu hơn, nhưng sợ không theo kịp đồng đội, đồng chí Dân chỉ về nhà trong chốc lát rồi vội bắt xe đuổi kịp đồng đội... Để rồi anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Bình Thuận khi mới vừa bước qua tuổi 20”, ông Lương nghẹn ngào hồi tưởng.
Còn đơn vị của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước có nhiệm vụ đập tan cánh cửa thép của địch tại Củ Chi và thọc sâu vào đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời kết hợp với lực lượng không quân, thiết giáp… đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy - trung tâm đầu não, sức mạnh quân sự của địch.
Sáng ngày 30/4/1975, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 10 tiến về Sài Gòn giải phóng. Quân ta chỉ tước vũ khí của địch, không hề bắt bớ hay giết bất kỳ ai. Trong khi, quân địch lầm lũi cúi đầu trước quân giải phóng, thì người dân tràn ra đường reo hò, cổ vũ.
Du khách thăm quan, tìm hiểu truyền thống bất khuất của quân và dân miền Nam tại địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.H.A
Lúc đó Sài Gòn chưa im tiếng súng. Khi xe tăng của ta tiến vào Sài Gòn hai bên vẫn đánh nhau, đạn pháo vẫn nổ. Ở ngã tư Bảy Hiền, tiếng người dân còn hô hoán: Hãy cứu lấy các chiến sĩ pháo binh! Thì ra 3 chiếc xe tăng của ta bị pháo của địch bắn trúng, trong đó có một chiếc bị cháy hoàn toàn và có 5 chiến sĩ hy sinh trong xe trước thời hắc đất nước hoàn toàn được giải phòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ. “Giá mà chiến tranh kết thúc trước 1 giờ đồng hồ, tôi không mất đi nhiều đồng đội đến thế”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động nói, chỉ trước giờ hòa bình 1 đồng hồ, Quân đoàn ông đã ngã xuống 200 người. Họ đã ngã xuống để giành lại nền độc lập cho đất nước.
Từ những rừng cà phê, cao su bạt ngàn xanh mướt, trên những công trình đồ sộ, nguy nga… đâu đó còn liệt sĩ nằm lại đó. Chúng ta không được phép quên. Lãng quên là có tội với những người đã ngã xuống, có lỗi với nhân dân. Chúng ta cũng không được quên bài học lịch sử tình quân dân - mạch nguồn của chiến thắng.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình