Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều địa phương buông lỏng quản lý, thiếu thanh tra, kiểm tra để “cò đất thổi giá”

Hương Giang

Thứ năm, 06/10/2022 - 15:19

(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, tình trạng “cò đất thổi giá”, gây nhiễu loại thị trường bất động sản có nguyên nhân do các cơ quan có thẩm quyền tại nhiều địa phương buông lỏng quản lý, không thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sẽ tăng cường thanh tra tại các địa phương để xử nghiêm vi phạm đất đai

Sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, cử tri nhiều địa phương (tỉnh Bình Phước, An Giang, Thái Bình, Thanh Hoá…) gửi đến Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiều câu hỏi liên quan đến đất đai, thị trường bất động sản, “cò đất thổi giá”.

Cử tri kiến nghị, cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý những hành vi “thổi giá”, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, thời gian qua tại nhiều địa phương có tình trạng mua gom đất nông nghiệp hoặc người sử dụng đất có diện tích lớn thực hiện chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất để bán (phân lô, bán nền) trái phép; lấn chiếm, chuyển đổi đất rừng trái phép, nhất là đối với các địa bàn gần các TP lớn và các khu du lịch, đô thị…

Điều này gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh, xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng này có nguyên nhân do các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương buông lỏng quản lý, không thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng dẫn đến các hành vi này hiện nay còn phổ biến.

Trong khi, việc chiếm dụng đất đai, tăng giá trị quyền sử dụng đất do thay đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất ở) của nhà đầu tư và người sử dụng đất có lợi nhuận quá lớn.

Bộ trưởng cho hay, từ năm 2018 đến nay, bộ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách để chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Nổi bật là giao chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra lấn, chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát, xác định vi phạm pháp luật đất đai, tránh tình trạng lấn, chiếm; chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Đáng chú ý, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra việc phân lô, bán nền tại 3 tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Mới đây, bộ tiếp tục có văn bản về tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai…

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quản lý đất đai thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Cạnh đó, tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, báo cáo các vi phạm pháp luật đất đai đối với sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt với đất trồng lúa và đất rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm pháp luật về đất đai.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để xử lý nghiêm tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2020).

“Các nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu trong báo cáo.

Sẽ lập tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai

Một vấn đề nữa, cử tri TP HCM phản ánh, vấn đề sử dụng đất công lãng phí ở nhiều địa phương đã gây bức xúc trong dư luận.

Dẫn chứng tại TP HCM, qua nhiều kỳ họp, các đại biểu bày tỏ “rất bức xúc trước tình trạng lãng phí, nhiều kho bãi, đất công để trống, bỏ hoang nhiều năm, trong khi quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình phúc lợi còn rất thiếu…”, cử tri đề nghị sớm có chủ trương giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để xử lý trình trạng lãng phí đất đai, từ năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 01, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm giải phóng mặt bằng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tổ chức các đoàn công tác tại các tỉnh, thành phố để kiểm tra, rà soát việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.

Đồng thợi ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của bộ, UBND các tỉnh, thành.

Vẫn theo Bộ trưởng, bộ đã xây dựng Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã phục hồi sau đại dịch Covid-19”, trình Thủ tướng phê duyệt.

Nội dung đề án đã tập trung đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai.

“Sau khi đề án được Thủ tướng phê duyệt, sẽ thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ở Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, TP tại địa phương để tổ chức chỉ đạo, thực hiện đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng thông tin.

Ông Trần Hồng Hà khẳng định, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình trạng dự án treo.

Một trong các giải pháp quan trọng mà bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quyền lợi của người sử dụng đất có đất thu hồi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm