Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 18/09/2019 - 21:02
(Thanh tra) – “Gần đây rất nhiều đại gia, doanh nghiệp bắt đầu tìm lên miền núi để đầu tư công nghệ, các tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm miền núi vì đất chỉ miền núi mới có, mới còn", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói và cho rằng, những tiềm năng này là cơ sở để cải thiện đời sống đồng bào dân tộc miền núi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Cảm nhận Đề án này chưa sát bà con”
Theo Đề án, Chính phủ dự kiến sẽ huy động số vốn thực hiện tối thiểu là 335.421,367 tỷ đồng triển khai 9 dự án và 2 nhiệm vụ liên quan để đạt được các mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 2021 - 2030.
Nhận định nếu được thông qua sẽ mang tính lịch sử vì lần đầu tiên có Đề án tổng thể như thế, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, rà soát kỹ để đưa ra chính sách khả thi, đi vào cuộc sống, tránh thực hiện không được như mong muốn.
Cụ thể, theo ông Hiển, một số mục tiêu của Đề án hơi tham vọng, khó thực hiện được trong vòng 4 năm tới như mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần; 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải....
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tính toán kỹ về nguồn lực để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đồng tình với ông Hiển, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, mục tiêu của Đề án vẫn chung chung, nhiều mục tiêu 30 - 40 năm sau chưa làm được chứ chưa nói tới 5 - 10 năm.
“Tôi cảm nhận Đề án này chưa sát bà con. Nên đi theo hướng bà con cần gì thì mình chăm lo cái đó, đi từ nhỏ tới lớn. Chứ không phải đưa ra Đề án lớn thế này rồi không biết hiệu quả thế nào”, ông Việt phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh còn chỉ ra, suốt mấy chục năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm song đồng bào dân tộc miền núi tiến rất chậm; chưa thu hút được người giỏi, đầu tư của các doanh nghiệp.
“Nói là rừng vàng nhưng tôi chưa thấy nhà khoa học nào lên đó cả. Trên ấy toàn thấy đại ca nhiều mà đại gia ít”, ông Việt nói và cho rằng, Đề án này phải kêu gọi được các “đại gia” lên chứ bây giờ toàn đại ca chặt rừng, chặt gỗ thì rất khó phát triển được.
Từ đó, ông Việt nhìn nhận, chính sách thế nào để người dân sống bằng rừng, khá bằng rừng chứ không thể làm giàu bằng rừng được với cơ chế như hiện nay”.
Bên cạnh đó, trong vòng 10 - 15 năm tới, cần có chính sách để phủ sóng chăm sóc sức khỏe cơ sở cho dân bằng quân dân y. Theo ông Việt, hiện nay Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào rất tốt dù không có tiền.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt
“Vấn đề chính là cách làm, làm sao nhận thức bà con chuyển đổi”, ông Việt nói và nhấn mạnh, đầu tư dự án rồi bỏ đó, “sống chết mặc bay là không ăn thua” vì hết dự án, cán bộ dự án về là dự án bỏ.
“Trên lo chính sách, vốn để địa phương thực hiện”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cùng cho rằng, cần phải có nhìn nhận và đánh giá tích cực hơn về địa bàn miền núi, để thấy được tiềm năng phát triển chứ không chỉ thấy sự chênh lệch.
"Chẳng hạn như tiềm năng về vốn rừng, về dược liệu, du lịch tôi nghĩ phải có tư duy phát triển kinh tế bền vững khác đi, nếu không ta cứ nghĩ đồng bào khó khăn rồi phải đầu tư vào. Anh Việt nói đại ca nhiều hơn đại gia. Đúng là trước kia đại ca nhưng gần đây rất nhiều đại gia, doanh nghiệp bắt đầu tìm lên miền núi để đầu tư công nghệ, các tập đoàn lớn bắt đầu quan tâm miền núi vì đất chỉ miền núi mới có, mới còn", ông Hải phân tích.
Dẫn ví dụ tỉnh Hà Giang hiện nay nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp lên đầu tư, hay các vùng trồng sâm ngọc linh tại Gia Lai, Kon Tum, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp phải đầu tư vào thì đồng bào mới phát triển được.
"Tự đồng bào phát triển kinh tế hộ thì cũng một phần nhưng phải có doanh nghiệp thực sự có tâm, có tiền, có tài và vì đồng bào thì sẽ phát triển được", ông Hải nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Hải, khi triển khai Đề án, ngoài tập trung, có trọng tâm, trọng điểm thì điều quan trọng là phải đi đôi với phân cấp mạnh.
"Bài học của chúng ta vừa qua là phân tán các chương trình nên đi xuống là tản mạn không hiệu quả. Cho nên, tôi cho rằng, trên này lo chính sách, nguồn vốn còn để địa phương thực hiện thì sẽ rõ hơn", ông Hải nói và nêu rõ, đi kèm phân cấp thì phải xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức rõ ràng, tránh lặp lại các vấn đề như vừa qua.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025:
Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020.
- Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định.
- Trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
- Quy hoạch và bố trí, sắp xếp ổn định 50% số hộ di cư tự phát; từng bước sắp xếp ổn định số hộ cư trú phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quyết, sạt lở đất.
- 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đảm bảo có từ 10 - 12% số học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học. Phấn đấu ít nhất 99% trẻ em 5 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, 97% trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1; trên 95% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ.
- Trên 90% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trên 90% phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 8%.
- Trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trong đó trên 60% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị; trên 80% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Khung đối tượng 4.
- Về đời sống: Giảm 50% số hộ dân tộc thiểu số phải ở nhà tạm, dột nát; trên 95% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; trên 50% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 60% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng hố xí hợp vệ sinh.
- 100% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có chi bộ độc lập làm hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến 2030:
- Không còn hộ đói; hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020.
- 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực.
- Giảm ít nhất 70% số thôn đặc biệt khó khăn; 80% số xã đặc biệt khó khăn so với năm 2020.
- Trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC