Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Một số nơi cán bộ sợ trách nhiệm, có xu hướng giải thích pháp luật “tiện cho mình”

Hương Giang

Thứ ba, 15/08/2023 - 13:03

(Thanh tra) - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu tình trạng một số nơi có tình trạng sợ trách nhiệm; xu hướng giải thích pháp luật theo hướng “tiện cho mình”; áp dụng pháp luật chưa thống nhất…

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về việc “một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế”.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng sợ trách nhiệm là có và không chỉ Bộ Tư pháp. Nhưng bây giờ lượng hóa là khó.

Ông cũng nêu thực tế có chuyện một số trường hợp không làm được hoặc ngại không làm thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định: Khâu yếu của chúng ta chính là tổ chức thi hành pháp luật.

Cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích pháp luật theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu áp dụng pháp luật chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.

Những yếu tố trên, cộng với ảnh hưởng “việc nọ, việc kia” nên các bộ, các ngành không chủ động, dẫn đến có những trường hợp cực đoan, đáng lẽ ban hành thông tư theo thủ tục bình thường thì cứ trao đi, đổi lại, xem làm thủ tục rút gọn được không.

“Cuối cùng mất 4 - 5 tháng để xem làm theo thủ tục rút gọn hay không thì thà làm chính thức ngay từ đầu”, Bộ trưởng Tư pháp dẫn chứng câu chuyện từ thực tế.

Về giải pháp, ông Long cho hay, Bộ Nội vụ đang soạn thảo quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo. Tuy nhiên, còn một loạt vấn đề cần giải quyết dù đây mới chỉ là văn bản ở tầm nghị định của Chính phủ.

Có những nghị định “nợ lâu chưa xử lý được”

Cũng liên quan tới công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) và đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chất vấn về giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp khi tình trạng nợ, chậm văn bản diễn ra nhiều năm.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc chậm ban hành là vấn đề đã bàn từ lâu nhưng chưa dứt điểm, số lượng nợ văn bản của từng năm cũng có sự “trồi sụt” nhất định.

“Mặc dù đã cố gắng nhưng có những nghị định nợ lâu chưa xử lý được”, ông Long nói.

Nêu nguyên nhân, Bộ trưởng cho hay, do nhiều nội dung cần yêu cầu quy định chi tiết hoặc có những luật, nghị quyết thời điểm thông qua và có hiệu lực ngắn nên phải thực hiện cấp tốc các nghị định nhưng vẫn không kịp.

Vì vậy, theo ông Long, Chính phủ đã ban hành nghị quyết giao Bộ Tư pháp trình một số giải pháp khắc phục hạn chế trong ban hành văn bản. Trong đó, quy định chi tiết về kỷ luật hành chính trong soạn thảo ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.

Bộ Chính trị cũng có chỉ đạo trình quy định về giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.

Quy định yêu cầu nếu trách nhiệm của bộ, ngành nào phải ban hành văn bản, soạn thảo và chủ động ban hành mà không có sự chủ động đó thì phải chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Tư pháp thông tin.

Siết chặt điều kiện tham gia đấu giá tài sản

Vấn đề liên quan đến đấu giá tài sản cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường, đấu giá còn xảy ra ép giá, thổi giá; năng lực của đấu giá viên, tổ chức đấu giá còn hạn chế.

Còn đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp nêu một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kĩ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.

Trước thực trạng mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Tư pháp bày tỏ “chúng tôi ý thức được điều đó”.

Theo ông, ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu giá tài sản không quy định giá khởi điểm, mà nằm ở Luật Đất đai. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét sửa trong Luật Đất đai.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận: “tình trạng quân xanh, quân đỏ là có”, nên trong Dự thảo Luật đấu giá sửa đổi hương tới siết chặt hơn các điều kiện tham gia đấu giá.

Thêm vào đó, thời gian qua cũng có tình trạng “thông đồng, dìm giá”; rồi kỹ năng hành nghề đấu giá, năng lực của đấu giá viên như đại biểu nêu.

Bộ trưởng thông tin, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, 1 số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên. Ông Long dẫn chứng thực tế vụ việc ở Đông Anh, Hà Nội.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho biết, sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng “thông đồng, dìm giá”.

Ngoài ra, tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng.

Tư lệnh ngành Tư pháp nhấn mạnh, trước đây khi hành nghề, các đấu giá viên được miễn hoặc giảm thời gian đào tạo. Hiện nay, các đấu giá viên cần phải được đào tạo và nắm được kỹ năng hành nghề.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm