Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mô hình “thành phố thuộc thành phố”, số lượng phó chủ tịch Hà Nội được trình Quốc hội thế nào?

Hương Giang

Thứ ba, 28/05/2024 - 10:57

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được chỉnh lý theo hướng không tăng thêm phó chủ tịch UBND thành phố, cũng không dành điều riêng quy định mô hình “thành phố thuộc thành phố”.

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 7 này. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: HNM

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thảo luận trên nghị trường trong phiên làm việc chiều nay (28/5).

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình ra Quốc hội tại kỳ họp 7 này có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 6, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

HĐND thành phố có thể được quyết số lượng biên chế

Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Hà Nội trên một số lĩnh vực.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến tán thành việc tăng số lượng phó chủ tịch HĐND TP.

Ý kiến khác cho rằng, quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND và cơ cấu của thường trực HĐND, ban của HĐND tại dự thảo luật là chưa bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng số lượng phó chủ tịch HĐND và đổi mới cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND, Ban của HĐND thành phố là điều kiện cần cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mới được phân quyền theo dự thảo luật.

Vì vậy, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định Thường trực HĐND thành phố có không quá 11 thành viên (gồm Chủ tịch HĐND, không quá 3 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên) và đều hoạt động chuyên trách.

Ban của HĐND thành phố có số lượng phó trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 2 người mỗi ban và có bộ phận chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian ban không họp.

“Đây cũng là điểm đặc thù của Luật Thủ đô khác so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, cơ quan thường trực của Quốc hội nêu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao HĐND thành phố xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

Việc này phải căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Về có ý kiến đề nghị bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì số lượng cụ thể Phó Chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.

Hiện tại, theo quy định, UBND thành phố đang được bố trí 5 Phó Chủ tịch và thêm 1 Phó Chủ tịch do thực hiện công tác luân chuyển cán bộ (nhiều hơn 1 người so với quy định chung) nên cơ bản đã đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.

Do đó, cơ quan thường trực Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Không quy định riêng mô hình “thành phố thuộc thành phố”

Liên quan đến mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố (Điều 13, Điều 14), có ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa luật hóa được nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô đã xác định tại Nghị quyết số 15 của Trung ương.

Quy định trong dự thảo cũng chưa thể hiện được các chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò của mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố.

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung về thành phố thuộc thành phố trong dự thảo luật, để khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố thuộc thành phố sẽ quyết định nội dung này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc thành lập thành phố thuộc thành phố và thành phố thuộc thành phố có tương đương với chính quyền ở quận; nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc Thành phố có gì khác với chính quyền cấp huyện?

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện pháp luật quy định, Chính phủ vẫn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

“Đây là đơn vị hành chính đô thị tương đương cấp huyện. Do đó, cơ sở pháp lý để thành lập thành phố thuộc thành phố đã đầy đủ”, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng hiện nay trên địa bàn Hà Nội chưa có thành phố trực thuộc nào được thành lập, cũng chưa có đề án cụ thể về mô hình phát triển của các thành phố loại này.

Vì thế, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa có cơ sở để xác định về quy mô, định hướng, mục tiêu phát triển, làm căn cứ cho việc quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và các chính sách đặc thù cần thiết cho thành phố thuộc Thành phố trong dự thảo Luật.

Nội dung mà Chính phủ đã đề xuất trong dự thảo luật trình Quốc hội cũng chưa thể hiện rõ tính đặc thù đáng kể nào.

Đặc biệt, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế nếu thành lập thành phố thuộc thành phố vẫn có các cơ chế, quy định về phân cấp, ủy quyền để chính quyền tại thành phố thuộc thành phố có thể thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn này.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng không dành 2 điều riêng quy định về HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố mà kết hợp vào các quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã (Điều 11 và Điều 12), vì đều là các đơn vị hành chính đô thị cùng cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

“Các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố thuộc thành phố sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố thuộc thành phố, bảo đảm thực hiện các yêu cầu đã đặt ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị”, báo cáo giải trình nêu rõ.

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm