Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 28/09/2023 - 22:03
(Thanh tra) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp, liệt kê các trường hợp thu hồi đất. Nhiều ý kiến đề nghị có thêm “điều quét” để xử lý trường hợp phát sinh, nhưng cần “van, khoá” chặt chẽ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều ngày 28/9.
Thu hồi đất để xây dựng xây dựng các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 tiếp tục là vấn đề được quan tâm, cho ý kiến.
Dự án phải đáp ứng điều kiện “cần và đủ” mới thu hồi đất
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất này.
Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.
“Quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan”, ông Thanh nói.
Theo Ủy ban Kinh tế, dự án, công trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 không đồng nghĩa với việc đương nhiên được Nhà nước thu hồi đất, mà phải đáp ứng điều kiện “cần và đủ” quy định tại Điều 80 Dự thảo Luật.
Cùng với cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua Nhà nước thu hồi đất, dự thảo luật tiếp tục quy định về cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua việc thỏa thuận giữa những người sử dụng đất về nhận quyền sử dụng đất.
Nhưng quy định theo hướng liệt kê lại có hạn chế là “không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Ông Thanh cũng cho hay, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất.
“Vì một số dự án, công trình được phân loại vào từng nhóm chưa tương thích với tính chất của nhóm, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích.
Cần “điều quét” nhưng phải có “van, khoá” chặt chẽ
Nhấn mạnh quy định về thu hồi đất là vấn đề đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sinh kế của nhiều người dân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành hướng tiếp cận như dự thảo luật quy định. Song, ông Cường đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với dự thảo trước đây.
Theo quan điểm của ông Cường, cần có “điều quét” để tránh sau này phải sửa luật, vì thực tế có trường hợp chưa được liệt kê.
Chung mối quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo quy định cụ thể 27 trường hợp, song trong từng trường hợp lại tiếp tục liệt kê và có thêm quy định khái quát “các trường hợp khác”.
“Nếu có điều quét bao quát hết thì liệt kê cụ thể còn cần thiết không? Dự thảo liệt kê quá chi tiết, có thể dẫn đến thiếu, luật dễ bị lạc hậu so với thực tiễn rồi lại phải sửa”, bà Thanh băn khoăn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết hiện chưa xây dựng được các tiêu chí để từ đó phân cấp áp dụng. Dự thảo hiện đưa ra danh sách “liệt kê” các trường hợp thu hồi đất, nhưng nếu thực tế phát sinh dẫn đến thiếu thì rất gay.
Báo cáo thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, qua nghiên cứu các cơ quan thấy rằng tối ưu là liệt kê các trường hợp thu hồi đất nhưng phải có “điều quét” để xử lý những điều phát sinh trong quá trình phát triển.
Trường hợp thu hồi trong “điều quét” đó phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, theo ông Khánh.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nội dung quan trọng vẫn đang trong quá trình xem xét lựa chọn phương án tối ưu.
Ông đề nghị các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phát huy cách làm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phối hợp chặt chẽ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thẩm tra sơ bộ để có quan điểm đối với nội dung Ủy ban Kinh tế nêu ra.
Họp sâu, bàn kỹ, lập luận đầy đủ để có dự thảo tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Với quy định trường hợp thu hồi đất theo hướng liệt kê, ông Vương Đình Huệ nói, trong cuộc sống không thể nào liệt kê hết được, vì vậy, cần “điều quét”.
“Quét nhưng vẫn có van, khoá chặt chẽ. Nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào thì phải làm rõ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với các nội dung còn 2 phương án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “không nên đóng lại ngay”, phút cuối mà Quốc hội thấy chín muồi mới quyết. Quan trọng là từng phương án nêu rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý thế nào để đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định.
Theo chương trình, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp 6, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 tới đây.
Điều 79. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi)
Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa, trong các trường hợp sau:
1. Xây dựng công trình giao thông bao gồm: Đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn (kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người), điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô; bến phà, bến xe, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ; các loại hình đường sắt; nhà ga đường sắt; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải; công trình hàng không; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo; cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không; các kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải;
2. Xây dựng công trình thủy lợi bao gồm: Đê điều, kè, cống, đập, tràn xả lũ, hồ chứa nước, đường hầm thủy công, hệ thống cấp nước, thoát nước, tưới nước, tiêu nước (kể cả hành lang bảo vệ công trình thủy lợi mà phải thu hồi đất); các công trình thủy lợi đầu mối (kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất - sửa chữa - bảo dưỡng công trình thủy lợi thuộc phạm vi công trình thủy lợi);
3. Xây dựng công trình cấp nước, thoát nước bao gồm: Nhà máy nước; trạm bơm nước; các loại bể (tháp) chứa nước; tuyến ống cấp nước, thoát nước; hồ điều hòa; công trình xử lý nước, bùn, bùn cặn (kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất - sửa chữa - bảo dưỡng công trình cấp nước, thoát nước);
4. Xây dựng công trình xử lý chất thải rắn: Trạm trung chuyển; bãi chôn lấp rác; khu liên hợp xử lý, khu xử lý, cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại (kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất - sửa chữa - bảo dưỡng công trình xử lý chất thải rắn);
5. Xây dựng công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng, bao gồm: Nhà máy điện và các công trình phụ trợ của nhà máy điện; công trình đập, kè, hồ chứa nước, đường dẫn nước phục vụ cho nhà máy thủy điện; hệ thống đường dây truyền tải điện và trạm biến áp; các công trình kinh doanh dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phạm vi nhà máy điện; hệ thống chiếu sáng công cộng;
6. Xây dựng công trình dầu khí, bao gồm: Giàn khai thác, công trình phục vụ khai thác, xử lý dầu khí, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy chế biến khí, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học; kho chứa dầu thô, kho chứa, trạm bơm xăng, dầu, khí, hệ thống đường ống dẫn, hành lang bảo vệ an toàn công trình để đảm bảo an toàn kỹ thuật mà không được sử dụng vào mục đích khác; các công trình kinh doanh dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phạm vi công trình phục vụ khai thác, xử lý dầu khí, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy chế biến khí, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học;
7. Xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, bao gồm: Hệ thống cột, cống, bể cáp và đường cáp truyền thông tin, các trạm thu - phát, xử lý tín hiệu viễn thông, trung tâm dữ liệu kể cả hành lang bảo vệ an toàn các công trình để đảm bảo an toàn kỹ thuật mà không được sử dụng vào mục đích khác; công trình khai thác bưu gửi và điểm phục vụ bưu chính; điểm bưu điện - văn hoá xã; các công trình kinh doanh dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phạm vi công trình bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;
8. Xây dựng chợ dân sinh, chợ đầu mối;
9. Xây dựng công trình tôn giáo, bao gồm: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; tượng đài, bia, tháp và các công trình tôn giáo hợp pháp khác;
10. Xây dựng công trình tín ngưỡng, bao gồm: Đình, đền, am, miếu và các công trình tín ngưỡng khác;
11. Xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng, bao gồm: Công viên, vườn hoa, bãi tắm và khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác; công trình hội họp và các hoạt động khác phù hợp với phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư ở địa phương.
12. Xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức khác thành lập theo quy định của pháp luật được Nhà nước giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí để hoạt động;
13. Xây dựng trụ sở hoặc văn phòng đại diện của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
14. Xây dưng cơ sở văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bao gồm: Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, cung văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc; các công trình di tích; công trình có tính biểu trưng, nghệ thuật, cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, nhà bảo tàng, nhà triển lãm, thư viện, cơ sở sáng tác văn học, cơ sở sáng tác nghệ thuật, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật, trụ sở của các đoàn nghệ thuật; công trình mở rộng, cải tạo, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bảo vệ; các cơ sở văn hoá khác do Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động;
15. Xây dựng cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: Bệnh viện, phòng khám; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ cận lâm sàng; cơ sở cấp cứu ngoại viện; nhà hộ sinh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, dưỡng lão; trạm y tế; cơ sở phòng chống dịch bệnh; cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế; các cơ sở y tế khác; trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội; trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội; trung tâm điều dưỡng người có công; cơ sở trợ giúp trẻ em; cơ sở tham vấn, tư vấn chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt, người nhiễm HIV/AIDS, người tâm thần, người nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội khác; cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;
16. Xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
17. Xây dựng cơ sở thể dục thể thao do Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: Khu liên hợp thể thao, trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; sân vận động, nhà thi đấu, sân tập luyện, thi đấu các môn thể thao; bể bơi;
18. Xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ do Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; công viên công nghệ; hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm trọng điểm; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trạm khí tượng thủy văn, trạm nghiên cứu địa chấn, cơ sở nghiên cứu vũ trụ; các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác;
19. Xây dựng cơ sở ngoại giao, bao gồm: trụ sở của các đại sứ quán, lãnh sự quán, văn phòng đại diện của các tổ chức ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ có chức năng ngoại giao; cơ sở ngoại giao đoàn do Nhà nước quản lý;
20. Xây dựng công trình sự nghiệp về xử lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm dịch động thực vật, khí tượng, thủy văn, đăng kiểm và các công trình sự nghiệp khác.
21. Thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nhà ở công vụ; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trừ trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở; dự án tái định cư; dự án khu dân cư nông thôn;
22. Thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu phi thuế quan trong khu kinh tế;
23. Thực hiện dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung có quy mô lớn, tập trung đồng bộ về kết cấu hạ tầng dùng chung từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản phục vụ trên phạm vi liên huyện hoặc liên vùng; dự án trồng, bảo tồn gen cây thuốc để phát triển dược liệu y học cổ truyền;
24.Thu hồi đất để thực hiện hoạt động lấn biển;
25. Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn liền với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất;
26. Dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển;
27. Các dự án sau đây là dự án trọng điểm do HĐND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương trên nguyên tắc khả năng huy động nguồn vốn thực hiện dự án và quỹ đất hiện có: dự án nhà ở thương mại; dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ;
28. Nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trữ tro cốt;
29 Thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định tại Điều 16 của luật này;
30. Thu hồi đất để xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương