Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 02/11/2020 - 19:02
(Thanh tra) - "Niềm tin quan trọng lắm, mất niềm tin là mất tất cả. Chúng ta phải cố gắng giữ niềm tin với nhân dân, uy tín của cán bộ, đảng viên bồi đắp niềm tin để phát triển đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Q.Phúc
Ngày 2/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021…
“Khát khao phát triển rất lớn lao…”
“Người ta bảo rằng, đầu nhiệm kỳ thì formosa, cuối kỳ thì corona hoành hành”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phát biểu tại tổ.
Theo Thủ tướng, ngay khi dịch xuất hiện, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đã triển khai sớm đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Nhờ vậy, chúng ta là 1 trong 2 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương. Đầu tư xã hội chiếm hơn 34% GDP; xuất siêu đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD, dự kiến hết tháng 12 sẽ đạt 20 tỷ USD…
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, không thể chủ quan với Covid-19, nếu không sẽ “mắc phải sai lầm rất lớn”.
“Khát khao phát triển rất lớn lao nhưng chúng tôi quyết định chưa thể đón khách du lịch vào Việt Nam. Người ta phản đối lắm, nhưng chúng tôi vẫn cương quyết vì dịch bệnh lớn quá, không thể kiểm soát hết được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Thủ tướng cho hay, do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế hụt thu khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều người mất việc làm… Cho nên, phải có khát vọng vươn lên, chứ không để tình trạng quy mô kinh tế thấp.
“Nền kinh tế mỏng quá thì gay go”, người đứng đầu Chính phủ nói và nhận định, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước hiện rất lớn.
"Niềm tin quan trọng lắm, mất niềm tin là mất tất cả. Chúng ta phải cố gắng giữ niềm tin với nhân dân, uy tín của cán bộ đảng viên bồi đắp niềm tin để phát triển đất nước. Cán bộ từ xã, huyện, tỉnh, đặc biệt là cán bộ chiến lược càng phải thể hiện niềm tin. Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng rất nghiêm khắc, đó cũng góp phần cho niềm tin", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đại biểu (ĐB) Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế), chúng ta đã phòng, chống đại dịch Covid-19 “tuyệt vời”. Song, ông Nghĩa cho rằng, cần đánh giá đúng mức xem ảnh hưởng như thế nào, nhất là phải tìm ra kịch bản đối phó Covid-19 hiệu quả.
“Dịch bệnh Covid-19 ở các nước vẫn tăng dần, còn chúng ta thế nào? Dịch bao giờ mới chấm dứt? Chính phủ cần có kịch bản chi tiết, rõ ràng về việc này. Dập dịch tốt rồi nhưng vấn đề kinh tế, an ninh, an toàn xã hội tôi vẫn lo ngại”, ông Nghĩa bày tỏ.
Lũ lụt làm người mất nhà, con mất cha, rất đau lòng
Không chỉ thế, vấn đề thiên tai lũ lụt cũng khiến nhiều ĐB lo lắng. Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận, lũ lụt ở miền Trung vừa qua khiến người mất nhà, con mất cha, mất mẹ, rất đau lòng.
“Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới giờ, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm không có nước để nấu, phải ăn sống”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tổ.
Nhiều ĐB đề nghị, tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân, đảm bảo sau khi nước rút, dịch bệnh không bùng phát.
Cạnh đó, phải lồng ghép nội dung khắc phục phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới; xây dựng kế hoạch để chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai.
“Tôi đề nghị QH phải bàn về việc này, thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng thiên tai. Ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý cho nhiệm vụ này”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang có chương trình khắc phục quyết liệt và sẽ có chính sách mạnh tay hơn như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là tìm người mất tích…
“Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo QH, ĐBQH về các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Tính toán an toàn hồ, đập thuỷ điện
Cũng theo các ĐBQH, cần phải xem tình trạng sạt lở nguyên nhân từ đâu? Có phải do phá rừng không?
“Tôi ủng hộ việc phát triển nhưng cũng mong muốn Chính phủ đánh giá lại việc lấy diện tích rừng để xây hồ, xây đập, làm sao vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời phải giảm tối đa nguy cơ thiệt hại”, ông Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.
ĐB Dương Trung Quốc nêu, trên phương tiện truyền thông có ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống thủy điện cùng với việc phá rừng, chế độ sử dụng nước, xả nước ở thời kỳ lũ là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa vừa qua. Song, cũng có nhà khoa học lên tiếng cho rằng thủy điện không phải là tác nhân gây lũ lụt ở miền Trung.
“Đây đúng là điều chưa rõ ràng”, ĐB Quốc nói và đề nghị, Chính phủ làm rõ để phát triển nguồn năng lượng nhưng tính toán cái lợi, cái thiệt vì “thực tế rõ ràng là thảm họa vừa qua rất lớn”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện đã có đầy đủ quy định quản lý Nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ, đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ.
Cũng theo ông Tuấn Anh, các bộ, ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý công tác an toàn hồ, đập cũng như vận hành công trình hồ thủy điện.
“Hiện có 401/401 các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ động thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa…”, Bộ trưởng Công thương dẫn chứng các con số.
Theo Bộ trưởng Công thương, trong đợt bão lũ 2020, qua kiểm tra thấy, “thực tế tất cả hồ, đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ”. Đồng thời khẳng định, tất cả các hồ, đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.
“Một số thông tin nói hồ, đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt là cách viết trên thông tin truyền thông”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, mưa lũ tại miền Trung vừa qua có nguyên nhân lớn từ tính dị thường, cực đoan của thời tiết.
“Qua đợt dịch bệnh, bão lũ, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng lên”
Về ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại rủi ro khi năm nay hụt thu khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong khi vẫn phải chi cho an sinh xã hội, giải quyết khó khăn doanh nghiệp và người dân. “Vượt chi nhưng quan trọng chi hiệu quả và đúng mục đích, tiết kiệm”, ông nói.
Về thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, theo ông Thanh, đã đạt hiệu quả. Song, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, cần giám sát bởi đang có dấu hiệu doanh nghiệp khó khăn, nếu không có giải pháp thì số liệu nợ xấu sẽ bùng phát.
“Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống rất sớm, nhanh, nhưng qua đợt dịch bệnh, bão lũ, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng lên”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý.
Xem xét các dự án thuỷ điện nhỏ để hạn chế phá rừng
Trước tình hình thiên tai ở miền Trung, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (ĐBQH đoàn Hà Giang) đề nghị, thành lập Ban Chỉ đạo Khẩn cấp để có cái nhìn tổng thể, giải quyết đồng bộ, tổng thể, hiệu quả, hiệu lực cao, cũng như dồn sức, dồn người, dồn trí giúp các tỉnh sớm phục hồi sau mưa lũ.
Cũng theo ông Sùng, với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, nếu không an toàn hạ du, không đảm bảo môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải có cơ chế dừng lại.
“Thủy điện thu không được bao nhiêu, nhưng khi xả lũ đúng lúc mưa to thì ngập mênh mông, làm không đủ ăn. Hà Tĩnh tự hào xây dựng nông thôn mới, nhưng còn đâu mà nông thôn mới”, ông Sùng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm phải tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, lấy đất rừng. “Những công trình thuỷ điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC