Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Làm thế nào để “hút” người lao động đã về quê trở lại làm việc?

Hương Giang

Thứ bảy, 06/11/2021 - 23:43

(Thanh tra) - Để "hút" người lao động trở lại làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu các nhóm giải pháp như đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và kết nối cung - cầu.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Đ.X

Chiều tối ngày 6/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt vấn đề, sau khi nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đang tích cực để khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp là khó thu hút người lao động trở lại làm việc.

“Xin cho biết giải pháp để đưa lao động trở lại làm việc?”, báo chí hỏi.

Trả lời điều này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, đại dịch COVID -19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021, tăng lên 12,8 triệu người trong quý II/2021 và hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021…

Lao động có việc làm giảm, dịch chuyển lao động giữa các địa phương, các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.

Để đưa lao động trở lại làm việc, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Chính phủ tập trung triển khai ba nhóm giải pháp chính như: Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc; kết nối, điều tiết cung - cầu lao động.

Với nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ông Hoan nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các phúc lợi xã hội (bảo hiểm, nghỉ ngày lễ…) để giữ chân người lao động.

Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc.

Nhóm giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc, theo lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, phải tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác làm cơ sở quyết định quay lại thị trường lao động.

Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế (khám sức khỏe, test covid, cách ly…); hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động.

Ông Hoan đặc biệt nhấn mạnh giải pháp khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại… để đưa người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động.

Về nhóm giải pháp kết nối, điều tiết cung - cầu lao động, đó là nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm.

Nắm kỹ, sát nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; rà soát tập hợp đầy đủ thông tin về trạng thái lao động, việc làm, trình độ của nguồn cung lao động để làm cơ sở điều tiết, kết nối cung cầu lao động.

Cùng với đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động; trước mắt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng…

Hơn 21.800 tỷ đồng đã được chi trả cho trên 9,1 triệu lao động

Trả lời câu hỏi về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Còn với người lao động, theo ông Hoan, đã chi trả là 21.851 tỷ đồng (tương đương 98% tổng kinh phí được giải quyết) cho hơn 9,1 triệu người, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết thêm, hiện nay khó khăn lớn nhất khi thực hiện gói hỗ trợ này là việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ ở một số đơn vị, tổ chức như: Ngân hàng chính sách, đài phát thanh truyền hình các tỉnh, tổ chức xã hội như trung tâm giao lưu văn hóa... có thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định hay không? 

Ngoài ra, một bộ phận người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp di chuyển về các địa phương sau đợt dịch thứ 4, thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin về chính sách, chưa hiểu hết quy định về chính sách và quyền lợi bản thân để chủ động liên hệ với cơ quan BHXH địa phương.

“Chúng tôi sẽ tập trung rà soát để hỗ trợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập không được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên theo quy định”, ông  Lê Hùng Sơn nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm