Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không thể chấp nhận EVN báo lỗ mãi do bù giá điện “mua cao, bán thấp”

Hương Giang

Thứ năm, 07/11/2024 - 19:36

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, cần minh bạch, chấm dứt bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, có những quy định pháp lý đủ mạnh để thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, chiều 7/11. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm thảo luận là giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Minh bạch, chấm dứt bù chéo giá điện 

Ở lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định để giá điện theo thị trường, cơ cấu biểu giá hợp lý hơn, nhằm giảm dần và tiến tới xoá bù chéo giữa các nhóm khách hàng dùng điện, vùng miền, cụ thể giữa điện sinh hoạt và sản xuất.

Giá điện cũng đảm bảo không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực, quyền tự quyết định giá mua, bán trong khung và cơ cấu biểu giá do Nhà nước quy định.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị làm rõ và bổ sung quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện hai thành phần và có lộ trình rõ ràng về xóa bù chéo giữa các nhóm khách hàng. 

Việc này, theo ông Hòa để đảm bảo bình đẳng, giá điện theo thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện cho sản xuất. 

Ông Hòa nói đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần (công suất và giá điện năng) để rõ ràng, minh bạch và chấm dứt bù chéo giữa các nhóm khách hàng. 

“Không thể để khách hàng này thu giá cao, để bù cho nhóm khác thu thấp hơn. Như vậy sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm, thiếu công bằng”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói không thể chấp nhận EVN báo lỗ mãi do bù giá điện “mua cao, bán thấp”. Ảnh: P.Thắng

Ông Hòa cũng nhấn mạnh, giá điện theo thị trường sẽ tránh việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hằng nằm, do phải bù chênh lệch giá. “Mua cao thì phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”, ông nói thêm.

Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. 

Ông Bình đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như độ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện.

Việc điều chỉnh giá điện, theo đại biểu đoàn Trà Vinh, nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. 

Loạt vấn đề bức xúc do chưa có thị trường điện cạnh tranh

“Hàng loạt những vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như: giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN; bù chéo… có nhiều nguyên do nhưng có 1 nguyên do căn bản là chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh”, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói.

Theo Luật Điện lực, thị trường điện cạnh tranh có 3 cấp độ: cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh; cấp độ 2 là thị trường mua, bán buôn điện cạnh tranh; cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

Cả 3 cấp độ này, ông Hậu cho rằng, chỉ là bề nổi của thị trường điện cạnh tranh. Theo ông, muốn có thị trường điện cạnh tranh thực sự phải tách bạch thực sư 3 khâu then chốt là: phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia.

Cùng với đó, tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý Nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu đoàn Tây Ninh sốt ruột sau 20 năm kể từ khi có Luật Điện lực, trái tim của hệ thống điện quốc gia là trung tâm điều độ điện quốc gia mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công Thương từ 8/2024. 

Việc này còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự và chưa biết đến bao giờ sẽ thực sự ra khỏi “cái bóng khổng lồ” của EVN, ông Hậu nói.

Mạch máu của hệ thống điện quốc giá, tức là hệ thống truyền tải điện thì vẫn trực thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.

Với những sửa đổi trong dự thảo luật lần này, theo ông Hậu, chưa có những quy định pháp lý đủ mạnh để sự thay đổi mang tính quyết định, giúp cho thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng.

Từ đó, ông Hậu đề nghị nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

“Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp”, đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhận định, với các quy định của dự thảo luật thì không biết đến bao giờ mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự”. “Tôi cho rằng phải mùa quýt chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh thực sự”, ông Hạ nói.

Bởi, theo ông Hạ, trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh các điều kiện sau đây phải hoàn thành, gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu lại ngành điện; cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện; cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Luật chậm thông qua 1 ngày sẽ chậm nhiều năm trong thu hút đầu tư về điện

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đến nay, Việt Nam đã hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh, khi hơn 52% nguồn điện thuộc các tập đoàn ngoài EVN, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà đầu tư tư nhân. EVN cũng chỉ chiếm trên 37% tỷ trọng nguồn điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: P.Thắng

Ông Diên cho hay, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa các hộ dùng điện lớn vừa được ban hành. Đây là cơ sở để vận hành thị trường bán buôn. Hiện cơ quan này đang nghiên cứu sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá điện hai thành phần… những yếu tố cho thị trường bán lẻ điện.

Tuy vậy, ông nói giá điện không thể hoàn toàn theo thị trường, do phải gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là, đầu vào dù cao nhưng đầu ra phải có kiểm soát, để đảm bảo kiểm soát và an toàn kinh tế vĩ mô.

Trước nhiều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật và đề nghị Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này. 

“Không có chính sách, không có đầu tư, tức không có điện. Chậm một ngày luật này được thông qua, chúng ta sẽ chậm nhiều năm trong thu hút đầu tư, đủ điện cho phát triển”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân dứt khoát phải có

Bộ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân dứt khoát phải có

(Thanh tra) - Chính sách phát triển điện hạt nhân là một trong các quy định khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn khi góp ý Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, chiều 7/11. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, “điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”.

Hương Giang

20:53 07/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm