Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không lơ là, sẵn sàng kịch bản ứng phó biến chủng virus mới nguy hiểm hơn

Hương Giang

Thứ bảy, 09/04/2022 - 16:49

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn kiểm soát hiệu quả, không để COVID -19 bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Sáng 9/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất

Kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Song, công tác phòng, chống dịch còn những hạn chế, yếu kém, bất cập. Đó là, tốc độ tiêm mũi 3 cho người lớn còn chậm; việc cung ứng, triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi chưa đạt mục tiêu đề ra tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo; còn lúng túng, bị động trong việc điều trị tại nhà, một số hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu thống nhất…

Đề cập nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được như virus có thể thích ứng với vaccine hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.

Bộ Y tế được giao nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

Cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…

Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nêu rõ kinh nghiệm cho thấy vacicne vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả.

Vì vậy, phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II; tiếp tục nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: N.Bắc

Một nhiệm nữa là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm về chuyên môn, khoa học.

“Không để bị động, bất ngờ về vaccine, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng chống dịch

Về công việc cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, nhanh chóng hướng dẫn việc tiêm vaccine mũi tiếp theo. Các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế.

Bộ Tài chính bảo đảm bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi nói chung và thuộc chương trình phòng, chống dịch nói riêng; phối hợp với các cơ quan xử lý kịp thời các vướng mắc, công khai tình hình thanh quyết toán liên quan tới công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vacicne cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý…

Thủ tướng cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật; thời gian tới, cần quan tâm việc hướng dẫn, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COIVD -19. Ảnh: Đ.X

Nhắc lại đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu vào tháng 4/2021, Thủ tướng nhấn mạnh, tháng 4 năm nay, muốn kiểm soát hiệu quả, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Tiêm chủng vaccine chưa đạt hoàn toàn mục tiêu đề ra

Trước đó, thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày.

Các nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn…

Các ý kiến cũng cho thấy các hoạt động mở du lịch đang diễn ra mạnh mẽ. Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết theo thống kê, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.

Dư luận thế giới đánh giá rất cao các kết quả phòng chống dịch đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi rất mạnh, thuộc nhóm tốt nhất khu vực.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng lưu ý, việc tiêm chủng vaccine chưa đạt hoàn toàn mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 31/3/2022, có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do.

Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót”; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine.

COVID-19 sẽ không biến mất, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành

Trong bối cảnh số ca nhiễm nặng và tử vong giảm, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng, số ca mắc mới được ghi nhận giảm liên tục trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.

Ngày 31/3/2022, WHO ban hành kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022.

WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Ở Việt Nam, về số ca mắc  đứng thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; so với châu Á, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4/10 ASEAN). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm