Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không lẽ đã có Trung đoàn Không quân, Bộ Công an lại đi mượn máy bay cho Cảnh sát Cơ động?

Hương Giang

Thứ ba, 26/10/2021 - 20:47

(Thanh tra) - Sáng ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến, tranh luận là đề xuất trang bị tàu bay, tàu thủy cho lực lượng Cảnh sát Cơ động.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: Đ.X

Theo đó, dự thảo luật quy định Cảnh sát Cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ.

Không nên đặt vấn đề Cảnh sát Cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém

Nhấn mạnh Chính phủ trình Quốc hội ban hành là cần thiết, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhận định, quy định trang bị tàu bay, tàu biển cho Cảnh sát Cơ động là chính sách lớn, cần được đánh giá tác động cụ thể.

Các luật hiện hành đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động, phối hợp của các lực lượng quân đội và công an, trong đó có việc huy động phương tiện.

Theo ông Thắng, trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát Cơ động cần sử dụng tàu bay, tàu biển không thường xuyên. Trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội hoặc các lực lượng khác phối hợp, huy động phương tiện thiết bị theo quy định của dự thảo luật.

Hiện tàu bay của không quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng liên quan quan khác đã bố trí khắp các khu vực tác chiến có thể huy động thêm để phối hợp với Cảnh sát Cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu, quy định.

“Nếu vướng quy định của pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung thay vì nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng Cảnh sát Cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ”, đại biểu Thắng nêu.

Ông Thắng lưu ý thêm, các phương tiện này sẽ làm tốn kém thêm nguồn lực của đất nước trong lúc còn khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá rất kỹ vấn đề này, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)

Trong khi đó, đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cho rằng, việc Cảnh sát Cơ động được sử dụng tàu bay thực tế đã được quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, nên quy định trong dự luật là “không mới”.

Bộ Công an cũng vừa thành lập Trung đoàn Không quân trong lực lượng Cảnh sát Cơ động. “Vấn đề không phải là Cảnh sát Cơ động có được sử dụng máy bay hay không mà nếu nhiệm vụ yêu cầu sử dụng máy bay thì phải sử dụng”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo đại biểu, không nên đặt vấn đề Cảnh sát Cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém, lãng phí về mặt tài chính mà là sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào và với lực lượng ra sao? Cạnh đó, cần quy định rõ việc huấn luyện, quy chế phối hợp với lực lượng quân đội, quản lý không lưu, đường bay...

“Cảnh sát Cơ động phải đối mặt với tội phạm sử dụng trang thiết bị hiện đại nên sử dụng máy bay là cấp thiết và cần thiết. Không lẽ đã thành lập Trung đoàn Không quân, Bộ Công an lại đi mượn máy bay thì buồn cười quá!”, ông Cường nói.

Tại sao không phối hợp với quân đội, sử dụng máy bay sẵn có?

Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, lực lượng phòng không, không quân; cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển.

“Tại sao chúng ta không phối hợp, sử dụng phương tiện sẵn có? Tôi nghĩ quân đội sẵn sàng hỗ trợ đắc lực lực lượng công an, lực lượng Cảnh sát Cơ động thực hiện nhiệm vụ”, ông Hòa phát biểu.

Tranh luận lại với đại biểu Hòa, theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận), nhiệm vụ chính của Cảnh sát Cơ động là bảo đảm an ninh trật tự và xử lý các vụ việc mất an ninh trật tự địa phương, chống bạo loạn khủng bố. Nếu huy động lực lượng quân đội tham gia sẽ không phù hợp với nhiệm vụ của lực công an, đặc biệt là Cảnh sát Cơ động.

“Nên giữ nguyên như dự thảo là Cảnh sát Cơ động được sử dụng tàu bay. Dù kinh phí tốn kém nhưng lực lượng này tiến lên hiện đại là cần thiết, nhằm chủ động trong các tình huống xảy ra”, ông Sỹ nói.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đồng tình với đại biểu Sỹ và tranh luận lại với đại biểu Hoàng Đức Thắng.

“Không thể nói vì tiết kiệm mà không trang bị tàu bay tàu thủy cho lực lượng này”, ông Thịnh cho thay, kinh nghiệm quốc tế là phải trang bị cho Cảnh sát Cơ động thiết bị hiện đại nhất.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM)

Cũng phát biểu tranh luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) dẫn các quy định của công ước quốc tế và cho hay, khi có xung đột về dân sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của mỗi quốc gia như bạo loạn, khủng bố thì không bao giờ được phép sử dụng lực lượng quân đội để thực hiện hành vi trấn áp mà phải sử dụng lực lượng cảnh sát.

Theo ông Đức, trong tờ trình của Chính phủ đã đánh giá, dự báo xu thế và thực tế đã thấy có một số hiện tượng về bạo loạn, biểu tình trái pháp luật… "Nếu như không trang bị sớm cho Cảnh sát Cơ động những loại phương tiện này để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia theo đúng tinh thần pháp luật của quốc gia cũng như quốc tế thì rất khó khăn”, đại biểu đoàn TP HCM nhấn mạnh.

Từ điểm cầu TP Đà Nẵng, đại biểu Trần Đình Chung thông tin, những năm gần đây, hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các yếu tố an ninh phi truyền thống… diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

“Với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong bối cảnh mới, Cảnh sát Cơ động cần được tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn để phát huy tối đa sức mạnh và khả năng tác chiến đặc biệt”, đại biểu TP Đà Nẵng nêu quan điểm.

Cảnh sát Cơ động được giao bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng 

Đi vào các điều khoản cụ thể, ông Chung đề nghị, làm sáng tỏ hơn yếu tố chuyên trách, tính đặc thù trong việc sử dụng biện pháp vũ trang của Cảnh sát Cơ động so với các lực lượng khác.

Cạnh đó, quy định rõ những trường hợp “cấp bách” khi điều động Cảnh sát Cơ động.

“Cảnh sát Cơ động là lực lượng tác chiến, sử dụng biện pháp vũ trang, nhiều trường hợp sử dụng vũ khí đặc chủng, hỏa lực mạnh. Hoạt động của Cảnh sát Cơ động liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các lực lượng, đơn vị cơ động là rất cần thiết”, đại biểu Chung nói.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Đ.X

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các biểu để hoàn thiện dự thảo luật. Trong đó, rà soát, chỉnh lý các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động lực lượng về phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế… đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.

Về quyền ngăn chặn, vô hiệu hoá phương tiện bay không người lái tấn công, xâm phạm các mục tiêu Cảnh sát Cơ động bảo vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, Cảnh sát Cơ động được giao bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng trên toàn quốc. Cạnh đó, còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu mà Cảnh sát Cơ động bảo vệ nói riêng.

"Ví dụ những trường hợp đối tượng phản động, tội phạm lợi dụng các phương tiện này để đưa chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ người khác đến xử lý thì gây ra bất cập về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn chứng và khẳng định việc trao thẩm quyền này cho Cảnh sát Cơ động là cần thiết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm