Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không được cấp vũ khí, điều tra viên Viện Kiểm sát Tối cao bắt tội phạm bằng “dây thừng”

Thứ bảy, 17/09/2016 - 09:04

(Thanh tra) - Khi nào được nổ súng? Cơ quan nào được trang bị vũ khí? Những điều cấm… là vấn đề nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra khi thảo luận Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều ngày 16/9.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, cần quy định cụ thể trường hợp được nổ súng nếu không sẽ khó thực hiện

Có chuyện khi cần nổ súng lại không nổ súng, khi không cần thiết lại…

Thẩm tra sơ bộ dự án, Ủy ban An ninh Quốc phòng tán thành cần thiết phải ban hành luật. Ông Nguyễn Mai Bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng cho biết, sau 4 năm thực hiện pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập.

“Nhất là, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, dẫn đến tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát. Các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, ông Nguyễn Mai Bộ nói.

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh đây là Luật quan trọng tác động đến quyền sống, tác động đến sức khỏe của con người.

“Việc sử dụng thời gian qua đặt ra vấn đề gì bức xúc, có hay không lạm dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Theo bà Nga, qua báo cáo tổng kết thì chỉ thiên về tổng kết quản lý nhưng kết quả tổ chức thực hiện thì chưa có và cũng chưa có đánh giá về sử dụng vũ khí như thế nào, nhất là các trường hợp nổ súng thời gian qua có vấn đề gì không?

“Báo chí và người dân trong thời gian qua phản ánh rất nhiều, có những cá nhân lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Thực tế cũng có trường hợp bị xử lý như vụ Kim Nỗ tại huyện Đông Anh nhưng báo cáo không đề cập đến”, bà Nga nêu rõ.

Giải trình điều này, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, các trường hợp nổ súng rất khó quy định cụ thể trong luật vì trong chiến đấu vì an ninh quốc gia rất muôn hình vạn trạng. Cho nên không thể quy định hết được.

“Hạn chế trong thời gian qua là quy định chưa rõ nên có trường hợp trong khi thi hành công vụ, anh em khi thì mạnh tay, khi thì bó tay, khi cần nổ súng lại không nổ súng, khi không cần thiết lại nổ súng”, đại diện Bộ Công an nói.

Chưa hài lòng, bà Nga tiếp tục nêu vấn đề, thực tế sử dụng vũ khí có vấn đề gì không? Trong 4 năm thực tế sử dụng có vấn đề gì không? Đã tổng kết chưa? Chưa tổng kết thì làm sao quy định được trong Luật? Bộ luật Hình sự quy định, được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng đối với người đang có hành vi xâm phạm, nhưng dự thảo Luật này lại quy định nổ súng trong trường hợp đe dọa đến tính mạng và sức khỏe. Vậy có khác nhau không?

“Tôi không thấy yên tâm với quy định tại Điều 21 dự thảo quy định về các trường hợp nổ súng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng cho rằng, Điều 21 rất quan trọng nhưng chưa quy định trường hợp thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ. Nếu Điều 21 không quy định cụ thể thì rất khó thực hiện.

“Tủi thân” khi không được trang bị vũ khí

Theo dự thảo, đối tượng được trang bị vũ khí gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Kiểm lâm, Kiểm ngư; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không.

Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.

Ý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, là do thực tiễn những năm qua cho thấy cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND có biên chế ít; số vụ việc điều tra không nhiều; đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Mặt khác, trong quá trình bắt giữ, đã có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an.

Không đồng tình với quy định này, ông Nguyễn Hải Phong cho biết, theo thống kê của Viện KSND Tối cao báo cáo cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong 5 năm qua, tội xâm phạm tư pháp bình quân mỗi năm 141 vụ/300 bị can.

“Là tội phạm thì giống nhau dù là tội phạm cổ cồn, đặc biệt đối tượng tội phạm tư pháp là điều tra viên cấp huyện, cấp tỉnh, kiểm sát viên hoặc là thẩm phán cấp tỉnh, cấp huyện thì cách chống trả còn tinh vi hơn”, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói.

Dẫn lại vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), khi bắt đối tượng giết người Lý Nguyễn Chung mất cả tháng mà không được trang bị vũ khí, đến còng tay cũng cũ rồi, ông Phong nói tiếp, “có lần tôi đã báo cáo trường Ủy ban Thường vụ Quốc hội  là có tình trạng bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật!”.

Theo ông Phong, nếu như không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì sẽ nguy hại trực tiếp đến lực lượng Điều tra viên của Viện KSND Tối cao.

“Cũng như Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao cũng phải bắt người, nếu không được trang bị vũ khí sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này, chứ không rất tủi thân, năm 2013 đã đề nghị rồi nhưng bị quên”.

Liên quan đến điều cấm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, phải rà soát rất kỹ, quy định rõ, cấm ai, ai cấm, vì sao.  “Ví dụ mục 5 quy định cấm cố ý làm hư hỏng, hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cấm ai? Nếu làm hư hỏng, hủy hoại vũ khí của địch thì tốt quá chứ!?”.

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì chỉ ra “kẻ hở” ngay ở điều cấm dễ bị lợi dụng mà khó kiểm soát khi nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng lại trừ vũ khí thô sơ được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.

“Đồng bào dân tộc Mông, thanh niên nam khi trưởng thành thì đã tự chế trang bị vũ khí thô sơ. Nếu quy định như thế thì sẽ lợi dụng bí mật sản xuất thì rất khó kiểm soát như vụ Lào Cai vừa rồi. Cho nên phải cân nhắc điều này. Theo tôi thì nên bỏ quy định này”, ông Chiến nói.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm