Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 09/11/2021 - 22:01
(Thanh tra) - Theo các đại biểu Quốc hội, đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: Đ.X
Quốc hội dành 2 ngày (8-9/11) để thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID -19. Một trong nhiều nội dung được đại biểu quan tâm đề cập là phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bổ sung chỉ tiêu riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), thời gian qua Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chính sách, quy định để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… Dù vậy, "đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước”, ông nói.
Đại biểu Nghĩa cho hay, một số nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được lồng trong các giải pháp về đào tạo nghề, giảm nghèo và chăm sóc y tế trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Qua nghiên cứu kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu thấy, mức độ quan tâm của các chính sách, vai trò và tác động của các chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn “rất khiêm tốn”. Chỉ có 1/130 nhiệm vụ có quy định trực tiếp liên quan đến đồng bào. Trong khi, 4 giải pháp lớn để cơ cấu lại nền kinh tế với hơn 100 nhiệm vụ còn lại chưa thể hiện sự quan tâm này.
Với mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế”, ông Nghĩa kiến nghị xem xét, bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng hoặc lồng ghép cụ thể hơn vào các chính sách chung những giải pháp đặc thù liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xem xét, bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 như: Chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và về tỷ lệ bác sỹ, giường bệnh trên 1 vạn dân.
Đại biểu đoàn Lạng Sơn ví dụ, dự thảo đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 1-1,% thì sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu đối với tỷ lệ hộ nghèo trong trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3% để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 88 năm 2019 của Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), chỉ tiêu tỷ lệ giảm nghèo năm 2022 “sẽ rất thiếu khả thi”. Bởi những khó khăn chung vẫn còn tiềm tàng, nhất là dự báo dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, kéo dài, tác động sâu đến người dân, nhất là những người nghèo càng chịu nặng nề hơn.
“Chỉ tiêu về giảm nghèo vẫn là một thách thức rất lớn”, bà Xuân nói. Từ đó, bà cho rằng, cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa thành thị và miền núi”, nữ đại biểu nhấn mạnh rằng, điều này cũng giúp tăng cường giữ vững được thế trận quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh quốc phòng ở những địa bàn chiến lược.
Có biện pháp mạnh để đề án còn “nằm im trên giấy” đi vào cuộc sống
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lưu ý, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hiện vẫn “nằm im, chưa giải ngân được đồng nào”.
Không chỉ vậy, 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cũng chậm triển khai. Theo đại biểu, việc chậm triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng như tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
“Thực tế cho thấy, nếu mọi quyết sách lớn từ Quốc hội được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ít nhiều giảm bớt. Dù chậm trễ nói trên cũng không vướng gì từ phía Quốc hội, theo tôi, Quốc hội với chức năng giám sát tối cao cũng phải có đánh giá trách nhiệm đúng mức và biện pháp đủ mạnh để những đề án đang còn nằm im trên giấy nhanh chóng đi vào cuộc sống”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.
Nhắc lại phát biểu từ kỳ họp trước là “nhiều đồng bào khó khăn vùng dân tộc miền núi đã lâu không thấy mặt đồng tiền”, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) cũng đề nghị, trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2021-2030.
“Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để kịp thời tổ chức thực hiện chương trình. Đặc biệt là văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện nội dung đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm tại chỗ”, đại biểu nhấn mạnh. Theo bà, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng “không thể nợ lâu hơn nữa chương trình mục tiêu này”.
“Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Việc bố trí đủ nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cách để chúng ta đền đáp lại niềm tin của đồng bào”, đại biểu Cao Thị Xuân nói thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu