Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 07/11/2024 - 20:07
(Thanh tra) - Cho biết hơn 13 tấn vàng đã đưa ra thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đồng thời nhấn mạnh, biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới, quan hệ cung - cầu, nhưng cũng không loại trừ khả năng có hành vi thao túng thị trường.
Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề cập đến công tác quản lý Nhà nước về thị trường vàng và cho biết, hơn 13 tấn vàng đã được đưa ra thị trường.
Nhu cầu mua vàng chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC.
Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng 5).
Tại thời điểm sáng 5/11, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng, tăng 13,5 triệu đồng/lượng (khoảng 18%) so với đầu năm.
“Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung - cầu trên thị trường”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bà cho hay, từ năm 2014 đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Nhưng từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.
Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh, theo bà Hồng, nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.
Bên cạnh các lý do nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.
Hơn 13 tấn vàng đưa ra thị trường
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, căn cứ các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với nguyên tắc tương tự như các phiên đấu thầu bán vàng miếng đã thực hiện trong năm 2013.
Từ ngày 19/4 đến 23/5, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn).
“Sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao”, bà Hồng cho biết.
Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp và lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.
Báo cáo cho thấy, từ ngày 3/6 đến 29/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).
Như vậy, thông qua đấu thầu vàng miếng, bán vàng miếng trực tiếp đã có hơn 13 tấn vàng đã được đưa ra thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước thời điểm cơ quan này thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).
Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5-7%).
“Đấu thầu vàng miếng, bán vàng miếng trực tiếp là các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Cân nhắc can thiệp thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước nhận định hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Bên cạnh đó, có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này, theo Ngân hàng Nhà nước , dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tới đây, sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh, TP (Cục quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an...) kiểm tra các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng, từ đó có chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.
Ngày 17/5/2024, cơ quan này đã ban hành quyết định thanh tra với 6 tổ chức tín dụngvà doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đoàn thanh tra còn có đại diện của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) và Bộ Tài chính (Tổng Cục thuế).
Nội dung thanh tra bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 11/11 và diễn ra trong 2 ngày.
Theo chương trình phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng được đưa ra chất vấn bao gồm: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.
Cùng đó là công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối và công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 7/11, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ tại Đảng bộ thành phố Hải Phòng.
Kim Thành
20:55 07/11/2024(Thanh tra) - Chính sách phát triển điện hạt nhân là một trong các quy định khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn khi góp ý Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, chiều 7/11. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, “điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”.
Hương Giang
20:53 07/11/2024Hương Giang
20:07 07/11/2024Hương Giang
19:36 07/11/2024Thái Hải
19:33 07/11/2024Trần Kiên
17:07 07/11/2024Kim Thành
Thái Hải
Thanh Thanh
Lê Phương
Kim Thành
Hương Giang
Trung Hà
Trần Kiên
Phương Anh
Uyên Uyên
Trung Hà