Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

H. Yến

Thứ tư, 23/12/2020 - 21:18

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Thường trực dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: BTC)

Ngày 23/12, tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 và Lễ khánh thành Tổ hợp nhà máy CPV Food tại Khu liên hợp - Công nghiệp - Dịch vụ Becamex Bình Phước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và gần 1.000 đại biểu đến từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu tại đây, đánh giá cao tỉnh Bình Phước tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, cập nhật hơn về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những chính sách, những dự án kêu gọi đầu tư để tìm kiếm những cơ hội đầu tư, giúp tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, trong đó nổi bật là 5 lợi thế: Vị trí chiến lược, giao thông thuận lợi, nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ qua hệ thống Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, cách sân bay Tân Sơn Nhất 110 km, trong tương lai là tuyến đường sắt xuyên Á được kết nối hoàn chỉnh và cũng rất gần các cảng như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và hơn 240 km đường biên giới với Campuchia; là một trong những trung tâm cây công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư gần 30.000 ha và 13 khu công nghiệp, 08 cụm công nghiệp; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; có truyền thống cách mạng kiên cường; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước trong việc cam kết và hành động nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng, được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Để phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư và phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Bình Phước cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước cần chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ rằng kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi về phương thức sản xuất và cấu trúc kinh tế. Đại dịch COVID-19 càng cho thấy số hóa hay công cuộc chuyển đổi số là xu thế của thời đại không thể đảo ngược và thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực.

Thứ hai, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhất là quỹ đất công từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để quy hoạch mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới; phát triển công nghiệp chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, quan trọng là phải xây dựng được liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng những thương hiệu gắn với địa phương.

Thứ ba, hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Phước còn thấp, năm 2019 đứng 61/63 tỉnh, thành phố và thấp nhất trong các tỉnh Đông Nam Bộ nên dư địa để “tiến bộ” là rất lớn. Do đó cần có đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả bộ máy; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực; chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư thực chất; có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh tại địa phương, chấp hành nghiêm các quy định, có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, thực hiện hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, với những lợi thế hiện có, Bình Phước đang hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, và hy vọng sau Hội nghị này, các nhà đầu tư sẽ sớm phát hiện, biến tiềm năng sẵn có, tốt đẹp của Bình Phước thành cơ hội, chuyển hóa cơ hội thành các dự án đầu tư có tính khả thi, đưa Bình Phước sang một giai đoạn mới, phát triển lên một tầm cao mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Diễn đàn ngày hôm nay đã bước đầu định danh được một cộng đồng doanh nghiệp số với tốc độ phát triển rất nhanh.

Sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.

“Make in Viet Nam” trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới ngày càng bé lại, có nhiều biến động và cũng nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cả an toàn, an ninh mạng. Điển hình, dịch bệnh COVID-19 thậm chí đã có thể làm đảo lộn thế giới, nhiều ngành sản xuất phải mất nhiều năm mới quay lại được trạng thái như trước đây.

“Và thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, dù không phải là nước đứng đầu thế giới về trình độ y tế, là bởi vì chúng ta biết mình đang ở đâu trên bản đồ y tế thế giới, biết được điểm mạnh, hạn chế của ngành y tế, hệ thống quản trị xã hội để có những giải pháp đúng, nhanh và kịp thời từ sự đóng góp, tổng hợp của đông đảo ý kiến chuyên gia và cả những người không làm về y tế”, Phó Thủ tướng chia sẻ và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, sự thôi thúc người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, để chủ động, sáng tạo ra những giải pháp công nghệ, thiết kế những sản phẩm mới có chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam luôn đặt mình là một phần của thế giới. Chúng ta luôn nêu cao tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho mọi đối tác, doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, kinh doanh, và đóng góp vào sự phát triển công nghệ thông tin nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự tin thiết kế, sáng tạo ra những giải pháp và cách làm riêng để cạnh tranh bình đẳng trước hết ở thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp số có thể làm được nếu biết khơi dậy tiềm lực của tất cả người Việt Nam trong nước, nước ngoài, và cả những người đang gắn bó với mảnh đất Việt Nam.

Cơ sở niềm tin đó trước hết đến từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, từ đó khơi dậy được sự sáng tạo và sức mạnh của toàn dân, cùng với sức mạnh thời đại, vượt qua rất nhiều thách thức mà nhiều khi, nhiều người tưởng chừng không thể vượt qua được.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: Dù rất khó khăn, chưa hài lòng nhưng thực tế Việt Nam vẫn là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thuộc nhóm hàng đầu thế giới trong hơn 20 năm liên tục. Mặc dù thu nhập bình quân GDP theo đầu người của Việt Nam mới ở khoảng 100, nhưng chỉ số phát triển bền vững của chúng ta xếp thứ 49. Điều đó thể hiện sự ưu việt của chế độ và con đường phát triển của Việt Nam là đúng, tương đồng với 17 nhóm tiêu chí và 169 tiêu chí cụ thể của Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thể hiện khát vọng chung của nhân loại như: Xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển kinh tế, chăm lo cho tất cả mọi người đặc biệt là những người yếu thế, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…

Sự tự tin còn đến từ số lượng doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới hay những “doanh nghiệp kỳ lân”, số lượng dịch vụ số của doanh nghiệp Việt Nam được thế giới và chính người Việt Nam sử dụng. Cùng với đó là chất lượng đào tạo nhân lực của Việt Nam với chỉ số giáo dục phổ thông tiếp cận với nhóm các nước OECD, giáo dục đại học dần được cải thiện thứ hạng, chỉ số sáng tạo đứng thứ 42 trên thế giới, trong khi nếu tính về chỉ số thu nhập GDP bình quân trên đầu người Việt Nam đứng ở thứ hạng khoảng 100 và nhiều chỉ số khác trên các bảng xếp hạng quốc tế thì thường ở vị trí 70 đến 80 như năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, chính phủ điện tử…

“Đấy là nền tảng cơ sở để chúng ta có thể tự tin nếu có chính sách đúng, cùng nắm tay nhau thì có thể làm được những điều tưởng chừng không thể làm được. Và cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam có thể tự tin góp sức lớn hơn để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh hơn, Phó Thủ tướng cho rằng nhất thiết phải xác định, tạo điều kiện cho những ngành kinh tế có khả năng tạo ra động lực, sức lan tỏa mới, những cộng đồng doanh nghiệp có thể phá vỡ quy luật phát triển tuyến tính bình thường.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam ở mức dưới 10%. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số từ 15-20% và thậm chí là nhanh hơn nữa”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (start-up), các doanh nghiệp số phải có sự khát khao và nhiệt huyết vượt qua tất cả khó khăn bên ngoài, sự cản trở bên trong để vươn lên ngang bằng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Nhắc lại những ngày đầu mạnh dạn tiên phong, đổi mới của ngành bưu điện trước đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa sứ mệnh tiên phong lại được trao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin hôm nay.

Để đất nước phát triển nhanh hơn thì công nghệ thông tin, công nghệ số phải đi nhanh hơn nữa bằng những mô hình, giải pháp của Việt Nam. “Công nghệ có thể chưa hoàn toàn là của Việt Nam. Chúng ta cũng không có tham vọng thay tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới để làm tất cả các công nghệ nền tảng nhưng quan trọng nhất là làm chủ và có giải pháp để sử dụng hiệu quả nhất. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy, thôi thúc trong cộng đồng doanh nghiệp số mà phải đến với mọi doanh nghiệp Việt Nam và ra toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp, từ giữ gìn đất nước hòa bình, ổn định, hợp tác, cải thiện môi trường kinh doanh đến việc đặt ra các “bài toán” để doanh nghiệp mở giải pháp, mở dữ liệu, sáng kiến để kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ Khởi động chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa

Ngày 23/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ Khởi động chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam NPAP.

Chương trình được triển khai với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về Nhựa, nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 10% là nhựa và đang ngày một gia tăng, gây nhiều nguy hiểm cho môi trường Việt Nam và thế giới. Thông qua chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam NPAP, các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giảm thiểu đáng kể dòng chất thải nhựa ra môi trường đất liền và đại dương, xây dựng lộ trình loại bỏ nhựa 1 lần, túi nylon khó phân hủy, đặc biệt tại các đô thị, khu du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, sự kiện này một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, nhựa là một phát minh quan trọng, đóng vai trò to lớn trong sản xuất và đời sống sinh hoạt của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, cách thức sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa thiếu bền vững, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần, đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường, các hệ sinh thái.

Ngay từ năm 2018, hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Liên Hợp Quốc phát động, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế như: Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2019.

Đồng thời, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.

Đặc biệt, mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Với nhận thức chung đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tích cực phối hợp để triển khai sáng kiến về Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng hy vọng Chương trình sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa. Thông qua đó, sẽ góp phần thực hiện cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải Đại dương.

Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước hết, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức về quản lý, sử dụng bền vững các sản phẩm nhựa; sớm thiết lập một Trung tâm nghiên cứu quốc tế của khu vực nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho giảm thiểu chất thải nhựa; hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vì mục tiêu đại dương không rác thải nhựa, Trái đất xanh không ô nhiễm nhựa.

"Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm