Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám sát phải cá thể hóa trách nhiệm, tránh “3 sôi, 2 lạnh”

Hương Giang

Thứ sáu, 17/11/2023 - 14:44

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, qua giám sát đã góp phần kiến tạo phát triển khá tốt, nhưng xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại chưa được, thậm chí có những báo cáo phần này “chỉ vài ba dòng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị Toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: P.Thằng

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, sáng ngày 17/11.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Qua các hoạt hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, năm nay, thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nội dung báo cáo theo đề cương yêu cầu của các đoàn giám sát.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. “Các báo cáo thực hiện của Chính phủ được đoàn giám sát ghi nhận, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra”, Phó Thủ tướng cho hay.

Dù vậy, Phó Thủ tướng thừa nhận, có lúc, tiến độ báo cáo của bộ, ngành, địa phương không đáp ứng được yêu cầu của đoàn giám sát.

Bên cạnh lý do chủ quan, theo ông có nguyên nhân là do một số vấn đề đoàn giám sát yêu cầu trong thời gian khá ngắn, trong khi các bộ, ngành, địa phương cần thời gian để rà soát.

Thêm nữa, một số nội dung yêu cầu trong báo cáo giám sát có lúc chưa cụ thể về phạm vi, không gian, thời gian, địa điểm dẫn đến báo cáo gặp khó khăn, lúng túng, khó xác định rõ người, rõ việc trong quá trình thực hiện.

Phó Thủ tướng nhận định các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng. Để đạt được hiệu quả cao, theo ông, cần định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Ông cũng đề nghị các ủy ban của Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch đề cương báo cáo giám sát, cũng như quá trình thực hiện giám sát.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: Đ.X

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

“Không có phương pháp tốt thì bơi trong rừng số liệu”

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát được xác định là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội.

Nhìn lại kết quả năm 2023, ông Vương Đình Huệ đánh giá giám sát chuyên đề tiếp tục là “điểm sáng”.

Theo ông, 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, như về công tác quy hoạch, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ vậy, hiệu quả được tăng cường.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, qua giám sát về quy hoạch, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61, tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. “Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu”, theo lời ông Vương Đình Huệ.

Cạnh đó, “giám sát lại”, tức giám sát vấn đề sau giám sát được quan tâm hơn, đi đến cùng vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không phải ban hành nghị quyết là xong. “Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương, sai phạm phải xem xét xử lý. Vấn đề có khuyết điểm phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Không thể nói chung chung”.

Điểm nhấn nữa là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ông Vương Đình Huệ cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đúng quy định, quy trình, thận trọng, chu đáo, kỹ lưỡng; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; kết quả công bố công khai ngay, được dư luận và đại biểu đánh giá cao.

Các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng ngày càng ngắn gọn, khoa học, phản biện cao hơn, khắc phục tình trạng “3 sôi 2 lạnh”, khen một tí và chê một tí, chẳng đâu vào đâu”…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát.

“Giám sát và giải trình xong có kết luận không? Nếu giải trình xong tất cả lại về, không có kết luận, nghị quyết gì thì người ta coi thường, không có ích gì”, theo lời Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Ông đồng tình với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cần tiếp tục nghiên cứu để giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh “sa đà vụ việc”, “bơi trong rừng số liệu”.

Không nói trách nhiệm thì sau này vẫn thế

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, qua giám sát đã góp phần kiến tạo phát triển khá tốt, nhưng xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại chưa được, thậm chí có những báo cáo phần này “chỉ vài ba dòng”.

“Báo cáo không khéo cũng “3 sôi 2 lạnh”, nêu một số cái được, một số cái chưa được, chung chung, rồi vui vẻ tất cả lại về”, ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tình trạng nể nang vẫn còn. “Xuống đơn vị phát biểu rất hùng hồn, rất đâu ra đấy, nhưng về lại chẳng thấy gì, không biết đi đâu hết”.

Theo nhìn nhận của Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị gì cũng chỉ để cho tốt hơn, chứ không phải “vấn đề nặng nhẹ”, nhưng nếu không nói trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thì sau này vẫn thế.

Ghi nhận sự nỗ lực và kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban thời gian qua, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần linh hoạt, nhạy bén, sát thực hơn. Bởi có những cuộc giải trình mà từ khi có chủ trương đến lúc thực hiện mất vài tháng thì mất ý nghĩa, không kịp thời, không bám sát được vấn đề nổi lên.

Về chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nói rõ, năm sau là thời điểm chuẩn bị cho đại hội Đảng cấp cơ sở; diễn ra đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nên hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế, phối hợp phải hết sức cân nhắc, để vừa đạt mục tiêu giám sát, vừa đỡ phiền địa phương, cơ sở.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý nội dung các cuộc giám sát chuyên đề năm 2024 đã có sẵn nhiều dữ liệu khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực hiện Nghị quyết 43, tổng kết thi hành các luật về đất đai, nhà ở, bất động sản…

Theo ông, cần khai thác kho dữ liệu này, còn lại tập trung vào đánh giá việc ban hành quy định chi tiết và tổ chức thực thi.

Chủ tịch Quốc hội còn đề nghị sớm nghiên cứu ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy bản của Quốc hội.

“Giám sát và giải trình xong có kết luận không? Nếu giải trình xong tất cả lại về, không có kết luận, nghị quyết gì thì người ta coi thường, không có ích gì”, theo lời ông Vương Đình Huệ.

Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát không chỉ phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị, mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát thực thi các kiến nghị nghiêm túc; những sai phạm phải được xử lý; những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm