Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 01/11/2024 - 16:58
(Thanh tra) - “Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi, đến chốn; còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung”, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh.
Ngày 1/11, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với tổng nguồn lực 256.250 tỷ đồng, thực hiện trong 11 năm. Nêu ý kiến, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề cập đến văn hóa đọc.
Tạo văn hóa đọc sách
Theo Đại biểu Quốc hội, đọc sách khác rất nhiều so với cập nhật thông tin, kiến thức trên không gian mạng.
“Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Đọc lướt tin trên mạng không đầy đủ nội dung, dễ suy nghĩ phiến diện dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi, đến chốn; còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung”, ông Cảnh nói.
Ông Cảnh cho rằng, điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội.
“Sách sẽ giúp nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư tật xấu”, theo lời ông Cảnh.
Từ đó, hình thành trong mỗi người cách nghĩ tích cực hướng tới cái đẹp, tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích xã hội, góp phần vào xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Nhưng “muốn người khác đọc sách thì mình nên đọc trước”, đại biểu đoàn Bình Định cho hay, ông vừa đọc xong cuốn sách viết về “Tật xấu người Việt”. Theo ông, hiện nay cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách.
Ông Cảnh cho rằng, nhân cách trẻ trước đây được hình thành qua giáo dục văn hóa, đạo đức từ thầy cô, phụ huynh, xã hội. Trẻ hiện nay khá tự do, bị tác động nhiều từ các thông tin thiếu chọn lọc.
“Trẻ đọc sách sẽ giúp giảm khoảng cách thế hệ, đứt gãy văn hóa, giúp trẻ hoàn thiện về nhân cách”, đại biểu đề nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho các trẻ bậc tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung của sách để hình thành thói quen đọc sách.
Đại biểu đoàn Bình Định cũng đề nghị tạo không gian đọc sách ở nhiều nơi, không chỉ ở các thư viện, phố sách, cà phê sách mà ở cả sân trường, bảo tàng, vườn hoa, công viên, phòng chờ sân bay, bến cảng, khách sạn, khu du lịch…
Quan tâm đến việc “phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ rất băn khoăn khi dự thảo chương trình đề ra chỉ tiêu “phấn đấu hằng năm 80% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
“20% vụ việc còn lại giải quyết theo cách nào khi không theo quy định của pháp luật hoặc 20% vụ việc bạo lực gia đình còn lại sẽ không được giải quyết”, bà Nga nêu.
Trong khi, những nội dung cụ thể của dự thảo chương trình nhấn mạnh việc xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, thúc đẩy quyền, nghĩa vụ, văn hóa sống và làm việc theo pháp luật.
Từ đó, bà Nga cho rằng, chỉ tiêu 80% vụ việc bạo lực gia đình hằng năm được giải quyết theo quy định của pháp luật cần phải xem xét lại.
Xây trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài “đại biểu có thể yên tâm”
Vấn đề nữa được đại biểu Quốc hội quan tâm là đề xuất dùng nguồn vốn của Chương trình để đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nói, việc xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện.
“Tôi thấy Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để quảng bá văn hóa của họ tại đất nước mình. Tại sao chúng ta lại không làm như thế này ở nước ngoài?”, đại biểu An Giang nêu.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) nhất trí xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công, song đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ chương trình mà sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khác.
Về “vướng mắc” chưa quy định trong luật Đầu tư công (chỉ quy định cho các dự án trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam), đại biểu đề nghị có thể bổ sung quy định nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài tại Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là thực hiện chiến lược đối ngoại văn hóa của Đảng, Nhà nước.
“Tất nhiên, khi làm Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, bởi vì không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các hiệp định giữa 2 Chính phủ với nhau, dựa trên quan hệ theo nguyên tắc đối đẳng; đồng thời chúng ta phải ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, hướng tới Chính phủ sẽ lựa chọn từ 3 - 5 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự.
Theo ông, không thể so sánh Việt Nam với Hàn Quốc, vì việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ phải tính toán dựa trên nguồn lực, địa bàn, quốc gia có nhiều kiều bào sinh sống, rồi nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào… mới trình Chính phủ làm. “Các đại biểu cũng có thể yên tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
100% học sinh, sinh viên tiếp cận nghệ thuật, di sản văn hóa?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì băn khoăn với mục tiêu đến năm 2030 là “100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa”.
“Vấn đề này có nhất thiết hay không”, ông Hòa nêu, đặt ra mục tiêu này phải đưa vào chương trình giáo dục chính khóa hay ngoại khóa? Theo ông, thực hiện sẽ rất khó, đặc biệt học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói, bộ đề xuất mục tiêu trên với mong muốn phát triển con người toàn diện. Theo ông, các nội dung giáo dục về nghệ thuật, di sản văn hóa đã có trong chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, trong thực tế một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn. Tuy nhiên, theo ông, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra và triển khai.
Ví dụ giáo dục về âm nhạc, nghệ thuật, rất nhiều địa phương đã dạy học sinh chính những nội dung nghệ thuật của dân tộc mình, như các em có thể học sáo, khèn, các điệu múa và nhạc cụ dân tộc…
Ông Sơn cho rằng, đạt mục tiêu như chương trình đề ra là “hơi khó”, nhưng con số 100% phải để nguyên, bởi không thể để một bộ phận học sinh không được tiếp cận, đứng bên lề của mục tiêu giáo dục rất cao đẹp này.
“Có thể ngày 1, ngày 2 chưa được đảm bảo như chúng ta mong muốn nhưng tất cả cũng nên bắt đầu cho nội dung quan trọng này”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi, đến chốn; còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung”, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh.
Hương Giang
16:58 01/11/2024(Thanh tra) - Chiều 1/11, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về công tác cán bộ.
CB
16:48 01/11/2024Thông Sắc
15:41 01/11/2024Hương Giang
11:07 01/11/2024Hương Giang
11:02 01/11/2024Hương Giang
05:30 01/11/2024T.Thanh
Thanh Chương
Thái Hải
Thu Huyền
Văn Thanh
Nhật Minh
CTV Hoàng Hiệp
Phương Anh
Lê Hữu Chính
Uyên Uyên
Thanh Nhung