Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 04/09/2020 - 13:24
(Thanh tra) – Đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (QH) (đoàn Ninh Thuận) cho biết như vậy và đề nghị, phải chống tiêu cực trong việc này vì tất cả các giấy phép về môi trường đều dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại (đoàn Ninh Thuận)
Sáng ngày 4/9, QH tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận cho ý kiến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường chung do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấp.
Nhiều cơ quan cấp phép xả thải thì khó rạch ròi trách nhiệm
Trình bày báo cáo một số nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho hay, đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ QH trình 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH.
Phương án 1 là tích hợp vào 1 loại giấy phép môi trường, gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế cho 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.
Phương án 2 là vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện.
Theo ông Dũng, báo cáo của Bộ TN&MT cho rằng, tích hợp theo phương án 1 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vì các giấy phép này đều được cấp dựa trên báo cáo ĐTM, nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau.
Bên cạnh đó, việc phân cấp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành NN&PTNT đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp.
“Công trình thủy lợi là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước. Việc quy định nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, khi xảy ra ô nhiễm thì khó phân định rạch ròi trách nhiệm”, ông Dũng cho biết quan điểm của Bộ TN&MT.
Trong khi đó, ý kiến ủng hộ phương án 2 thì cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về công trình thủy lợi (Bộ NN&PTNT) sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Ngoài ra, nội dung này đã được Bộ NN&PTNT báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ khi xây dựng Luật Thủy lợi vào năm 2017.
Không hẳn tích hợp mới liên thông?
Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 1. “Việc tích hợp các giấy phép xả thải vào môi trường là điểm mới, tiến bộ và khả thi”, bà Thuỷ nói.
Theo bà Thuỷ, quản lý nước thải trong các giấy phép về bản chất giống nhau. Nhưng trên thực tế đang xảy ra trường hợp các giấy phép có yêu cầu khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Khi đã cấp giấy phép thì đi kèm với nó là kiểm tra, thanh tra. Như vậy có nhiều ngành kiểm tra, thanh tra kết luận nhiều nội dung giống nhau”, nữ ĐB đoàn Bến Tre nêu.
ĐB Thuỷ cũng lưu ý, việc phân cấp cấp giấy phép nước thải vào công trình thuỷ lợi không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp dẫn đến có khi cơ sở xả nước thải quy mô không lớn thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường của cấp huyện, nhưng phải xin cấp phép xả nước thải ở cấp tỉnh hoặc cấp bộ.
“Các nguồn nước xả thải vào công trình thuỷ lợi chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong tổng số các nguồn xả thải ra môi trường nói chung. Tôi ủng hộ tích hợp để giảm thủ tục hành chính”, bà Thuỷ phát biểu.
Cũng ủng hộ việc tích hợp, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại (đoàn Ninh Thuận), một giấy phép về môi trường góp phần giảm thủ tục hành chính và phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm quản lý, tuân thủ nguyên tắc 1 cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Nhắc lại báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ QH đều khẳng định tất cả giấy phép xả thải vào nguồn nước, kể cả vào công trình thủy lợi đều dựa trên ĐTM, ông Cương cho rằng, đây là vấn đề cần đảm bảo tính minh bạch.
“Doanh nghiệp kháo nhau, làm báo cáo ĐTM nếu thuê chính cơ quan phê duyệt thì thông qua rất nhanh. Làm thế nào để chống tiêu cực trong việc này vì tất cả giấy phép đều dựa trên ĐTM”, ông Cương nói và đề nghị, Chính phủ quan tâm. Trong nghị định hướng dẫn sau này phải làm rõ hơn, nhất là chức năng của các bộ khác nhau, liên quan đến các luật trước.
Trong khi đó, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, Luật Thủy lợi quy định Bộ NN&PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm chất lượng nguồn nước trong các công trình thủy lợi, do đó, Bộ NN&PTNT phải là cơ quan cấp giấy phép này.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 2, theo ông Bình, nên tách riêng giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi ra khỏi giấy phép về môi trường để Bộ NN&PTNT quản lý, cấp phép.
Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, dù tích hợp thì ngành nông nghiệp vẫn phải là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm và chất lượng, số lượng nước trong các công trình thủy lợi.
"Chúng ta phải xem xét lại xem phối hợp quản lý giữa 2 bộ thế nào chứ không chỉ là chuyện tích hợp. Không hẳn tích hợp mới liên thông vì có nhiều cơ chế để đảm bảo sự liên thông", ông Tùng nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương