Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điện Biên sắp xếp, xử lý tài sản công khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Trần Kiên

Thứ sáu, 06/06/2025 - 19:06

(Thanh tra) - Trụ sở làm việc và các cơ sở hoạt động sự nghiệp sẽ được ưu tiên bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã mới tại vị trí đang đặt trụ sở; đồng thời giữ nguyên tính liên tục, kế thừa trong triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt, tránh tình trạng gián đoạn, thất thoát hay lãng phí.

Trung tâm Hành chính huyện Nậm Pồ mới được đầu tư xây dựng cũng được lên phương án sử dụng khi tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Trần Dũng

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023–2025, ngày 6/6, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị để cho ý kiến vào phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công và các chương trình, dự án, nhiệm vụ liên quan trong quá trình tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có

Điện Biên sẽ có 45 đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập sau khi hoàn thành việc sắp xếp. Theo thống kê, toàn tỉnh có 302 trụ sở, 302 thửa đất và 607 nhà trên đất thuộc diện rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với tình hình tổ chức bộ máy mới. Phương án được Sở Tài chính tỉnh Điện Biên xây dựng trên nguyên tắc tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Theo đó, trụ sở làm việc và các cơ sở hoạt động sự nghiệp sẽ được ưu tiên bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã mới tại vị trí đang đặt trụ sở. Trong trường hợp cần thiết, có thể thực hiện mô hình dùng chung trụ sở giữa nhiều đơn vị nhằm tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Đồng thời, việc hoán đổi, điều chuyển giữa các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn cũng sẽ được xem xét linh hoạt dựa trên nhu cầu thực tiễn.

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư, sau khi bố trí ổn định cho các đơn vị sử dụng, sẽ được xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ưu tiên hàng đầu là chuyển đổi công năng để phục vụ mục đích công cộng như làm trụ sở y tế, trường học, thư viện, thiết chế văn hóa – thể thao, công viên… góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và hiệu quả sử dụng đất công.

Việc bàn giao tài sản sẽ được thực hiện theo nguyên trạng, bao gồm: Nhà, đất, tài sản gắn liền với nhà, vật kiến trúc… Đặc biệt, các thiết bị tại bộ phận một cửa sẽ được bàn giao cho UBND cấp xã mới theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được phân công.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 66 xe ô tô, dự kiến mỗi đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ được bố trí tối thiểu 1 xe để phục vụ hoạt động công vụ; ngoài ra, 5 Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất cấp huyện cũng sẽ được sắp xếp sử dụng 1 xe/đơn vị.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, cập nhật nhu cầu thực tế, đề xuất phương án sử dụng cụ thể và kịp thời gửi về UBND tỉnh để xem xét, ban hành quyết định phù hợp.

Đặc biệt, đối với hai địa phương có nhiều thay đổi là thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên cần rà soát lại cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đánh giá nhu cầu sử dụng, Sở Tài chính cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện phương án chi tiết, trình UBND tỉnh quyết định trong thời gian sớm nhất.

Giữ nguyên tính liên tục, kế thừa trong triển khai các chương trình, dự án

Về các chương trình, nhiệm vụ, dự án của các chủ đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Điện Biên đang triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc nhiều nguồn vốn khác nhau.

Trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý có 170 dự án thuộc vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương; 22 dự án sử dụng nguồn thu từ đất và 19 dự án sử dụng vốn xổ số kiến thiết.

Vốn ngân sách địa phương cấp huyện quản lý có 196 dự án từ nguồn đầu tư cân đối ngân sách huyện và 196 dự án sử dụng nguồn thu từ đất cấp huyện.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 544 dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư; 71 dự án sử dụng các nguồn vốn khác như tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách địa phương.

Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gồm 176 dự án và dự án thành phần; vốn dự phòng ngân sách Trung ương có 82 dự án.

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh có 467 dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 135 dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và 173 dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu phải giữ nguyên tính liên tục trong triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt, tuyệt đối tránh tình trạng gián đoạn, thất thoát hay lãng phí. Các ngành, địa phương cần đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2025.

Việc phân công chủ đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc kế thừa. Theo đó, các xã mới sau sắp xếp sẽ là chủ đầu tư kế thừa các nhiệm vụ, dự án từ các xã cũ. Các nguồn vốn từ thu đấu giá đất và nguồn thu sử dụng đất được giao cho Ban Quản lý dự án khu vực tổ chức thực hiện.

Các nguồn vốn sự nghiệp đơn thuần, các nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư giao cho các xã thực hiện.

Các dự án thuộc ngân sách huyện trên địa bàn 2 xã và dự án sử dụng ngân sách tỉnh nhưng được phân cấp cho huyện tổ chức triển khai sẽ do Ban Quản lý dự án khu vực thực hiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm