Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia thuộc Bộ Công an

Hương Giang

Thứ ba, 22/10/2024 - 18:02

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Dữ liệu đề xuất thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia, dự kiến là một đơn vị mới trực thuộc Bộ Công an.

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình Dự án Luật Dữ liệu. Dự thảo luật dành riêng một chương để quy định về xây dựng và phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia giai đoạn 1 khoảng 20.000 tỷ đồng

Theo dự thảo luật, Trung tâm Dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng theo các tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật trong nước và quốc tế để bảo đảm chống bom đạn, khủng bố, thiên tai; tiêu chuẩn, yêu cầu về bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giải pháp thông minh để kiểm soát nguồn năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình Dự án Luật Dữ liệu trước Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Các thành phần công nghệ thông tin chính của Trung tâm dữ liệu quốc gia gồm: Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; cơ sở hạ tầng điện toán đám mây; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống, phần mềm quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ dữ liệu, cổng dữ liệu mở, cổng dịch vụ dữ liệu có thu phí.

Một trong những trách nhiệm của Trung tâm Dữ liệu quốc gia là tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, phân tích, khai thác dữ liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định pháp luật nhằm tạo lập, quản trị cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Dự án luật không quy định về biên chế, tổ chức của Trung tâm Dữ liệu quốc gia mà giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

“Việc thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và dự kiến Trung tâm Dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an”, tờ trình Chính phủ nêu.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.

Chính phủ cũng cho biết, hiện nay, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết số 175 năm 2023.

Dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1, đến năm 2025 là khoảng 20.000 tỷ đồng.

Căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ.

Cần làm rõ các phương án ứng phó những vấn đề phát sinh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; tăng cường hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý nhà nước; tiết kiệm nguồn lực đầu tư… theo cơ quan thẩm tra.

Ông Tới cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Ý kiến này cũng đề nghị có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Vấn đề nữa, dự thảo luật đề nghị thành lập Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.

Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ nguồn hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước; từ các nguồn khác theo quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí quy định về Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng quỹ; đề nghị cân nhắc các nội dung chi của quỹ để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Dự Luật Dữ liệu gồm gồm 7 chương, 67 điều. Theo chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ Dự án Luật Dữ liệu chiều 24/10 và tại hội trường vào sáng 8/11.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm