Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 26/05/2022 - 10:06
(Thanh tra) - So với luật hiện hành, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định thêm cơ quan thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Nhưng việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 26/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội.
Giữ cơ quan thanh tra theo 3 cấp hành chính, vì sao vẫn có Thanh tra huyện?
Theo ông Đoàn Hồng Phong, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra hiện hành còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Cạnh đó, qua quá trình thực hiện, luật đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
“Việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (bổ sung 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010).
Trong đó, kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.
Tại tờ trình nêu, khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Hoạt động thanh tra trên địa bàn huyện sẽ do thanh tra tỉnh thực hiện nhằm giảm đầu mối và các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra.
Quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.
Vì vậy, tiếp thu các ý kiến, trong dự thảo luật giữ nguyên quy định về thanh tra huyện. Nhưng để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra thì “cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao”.
Lập thanh tra ở một số tổng cục, cục không chồng chéo, thêm biên chế
Bên cạnh thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở.
“Nhiều tổng cục, cục cùng với các cơ quan nhà nước khác trước đây được giao chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không cần thiết phải có tổ chức thanh tra vì hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan này (được gọi là “thanh tra thường xuyên”) thực chất chỉ là kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý.
Hoạt động sẽ vẫn được các cơ quan nói trên thực hiện mà không cần thiết phải giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành”, tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nêu.
Luật hiện hành quy định một bộ chỉ có một tổ chức thanh tra. Các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập.
Song nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý Nhà nước, nhu cầu thanh tra lớn nhưng do luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra. Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, dự thảo luật quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ.
Tờ trình nêu rõ, việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Bởi dự thảo luật quy định “thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Việc lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ về cơ bản cũng không làm phát sinh về: tổ chức, biên chế, chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này.
Thực tế, một số tổng cục, cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách nhưng do Luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một vài nhiệm vụ khác, thường là thanh tra - pháp chế, thanh tra - kiểm tra…
Thêm nữa, việc có thêm thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ cũng không gây chồng chéo giữa Thanh tra bộ và Thanh tra tổng cục, cục vì dự thảo luật quy định mỗi bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh trong bộ, trình Bộ trưởng phê duyệt và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc theo hướng Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương có chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời giao Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra này.
Theo chương trình kỳ họp 3, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án luật này chiều cùng ngày; thảo luận ở hội trường vào ngày 13/6.
Tổng Thanh tra bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên cao cấp
Dự thảo luật thiết kế một chương quy định về thanh tra viên. Theo đó, thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các ngạch thanh tra viên gồm: Thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.
Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên cao cấp. Thanh tra viên và thanh tra viên chính do bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm theo thẩm quyền quản lý công chức. Thanh tra viên được cấp trang phục thanh tra, thẻ thanh tra.
Với những ngành, lĩnh vực đặc thù có cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế thì việc bổ nhiệm thanh tra viên do Chính phủ quy định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế 10%; tăng thuế suất với rượu, bia để tăng giá bán ít nhất 10%, theo đề xuất của Chính phủ.
Hương Giang
09:25 22/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân