Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 18/04/2022 - 21:00
(Thanh tra) - Chiều ngày 18/4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm thảo luận là hệ thống thanh tra, trong đó có việc bỏ hay không bỏ thanh tra cấp huyện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành giữ nguyên mô hình 3 cấp: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Ảnh: Đ.X
Mô hình thanh tra hành chính 3 cấp hay 2 cấp?
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước của bộ, ngành, địa phương.
Các cơ quan thanh tra theo 3 cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Còn theo ngành, lĩnh vực, ngoài thanh tra bộ, còn có thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở.
“Dự thảo Luật quán triệt quan điểm thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước.
Vì vậy, Dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình”, Tổng Thanh tra nói rõ.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức cơ quan Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh như hiện nay. Tuy nhiên, về thanh tra huyện, trong Thường trực Ủy ban có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Lý do là, giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện với 713 thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp tỉnh…
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai tán thành tiếp tục duy trì thanh tra huyện vì đã có quá trình hình thành, phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.
Cạnh đó, giữ mô hình thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho thanh tra huyện…
“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Ở vị trí điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vì bỏ hay không bỏ thanh tra cấp huyện vì còn liên quan nhiều luật khác.
“Thanh tra cấp huyện không chỉ làm thanh tra mà còn giúp UBND huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Bỏ thanh tra cấp huyện đi ai giúp huyện làm việc đó? Chưa kể, huyện giờ rất rộng như TP Thủ Đức, 3 quận gộp vào dân số rất đông, bao nhiêu công việc. Hay TP Hạ Long nhập huyện Hoành Bồ vào thì riêng huyện Hoành Bồ, tôi đi rộng bằng tỉnh Bắc Ninh”, ông Định đặt vấn đề.
“Ở đâu có quản lý Nhà nước thì ở đó có thanh tra”
Nêu ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình tiếp tục duy trì hệ thống thanh tra hành chính 3 cấp như hiện nay, song bà đề nghị tăng cường đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện. “Nếu các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở sẽ không phát sinh, tồn đọng, bức xúc kéo dài, hay đùn đẩy và trở thành gánh nặng cho cấp trên”, bà Thanh nói.
“Thanh tra huyện đến giờ này rất cần thiết, thậm chí còn rất quan trọng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu sau đó.
Theo ông Cường, cấp xã không có cơ quan thanh tra. Cấp huyện là một cấp chính quyền, cũng là cấp ngân sách, chủ tịch huyện có thẩm quyền trong thu hồi, giao đất. Pháp luật khiếu nại, tố cáo quy định trước khi ban hành quyết định hành chính phải đối thoại với người dân, mà việc này do cơ quan thanh tra thực hiện.
“Tôi muốn kiến nghị cần tăng cường thêm vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nhân lực cho cấp huyện vì ở dưới cơ sở công việc ngày càng phức tạp. Nếu bỏ đi vai trò của thanh tra cấp huyện thì thiếu vắng khi cả cấp chính quyền từ huyện đến phường, xã không có cơ quan thanh tra. Cấp tỉnh không thể nào với tay xuống”, ông Cường phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần lý giải sâu hơn vấn đề này. “Tôi nghĩ vấn đề này tiếp tục nêu để Quốc hội thảo luận, mình chưa nên chốt chặt”, ông Vương Đình Huệ nói và cho rằng điều quan trọng cần lập luận vì sao hệ thống thanh tra hành chính theo 2 cấp, hay 3 cấp.
Xin tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong giải trình làm rõ thêm một số vấn đề. Theo ông, vẫn giữ thanh tra cấp huyện vì theo nguyên tắc “ở đâu có quản lý Nhà nước thì ở đó có thanh tra”.
“Huyện là một cấp quản lý Nhà nước, thanh tra huyện không chỉ tổ chức thực hiện thanh tra mà còn làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của huyện, cũng như ở xã nên rất quan trọng ở cơ sở. Thanh tra huyện còn giúp huyện phòng chống tham nhũng”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Tổng Thanh tra cho hay, trước đây Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo) trình Chính phủ phương án sửa đổi hệ thống tổ chức thanh tra theo hướng mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành và độc lập tương đối. Khi đó, có phương án bỏ thanh tra sở, thanh tra cấp huyện, thanh tra bộ.
“Hội đồng thẩm định lúc đó các bộ, ngành kể cả đại diện các ủy ban của Quốc hội không đồng tình và đề nghị với Chính phủ không thông qua”, Tổng Thanh tra nói.
Chốt lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành giữ nguyên mô hình 3 cấp: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự thảo luật bổ sung chức năng phòng chống tiêu cực bên cạnh chức năng thanh tra; phòng chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
“Không phải tổng cục, cục nào cũng có thanh tra”
Theo Tổng Thanh tra, thanh tra tổng cục, cục chỉ được thành lập ở những tổng cục, cục mà luật chuyên ngành quy định có cơ quan tổ chức, hoạt động thanh tra.
“Không phải bất cứ tổng cục, cục nào cũng có thanh tra”, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định. Theo ông, thực tế hiện, các tổng cục và cục đang có bộ máy thanh tra rồi, nhưng Luật Thanh tra hiện hành chưa quy định nên giờ đưa vào dự thảo “chứ không phải là thành lập mới” như Thanh tra Tổng cục Thuế, thanh tra hải quan…
Trước lo ngại chồng chéo giữa thanh tra tổng cục, cục và thanh tra bộ, Tổng Thanh tra cho hay, dự thảo luật cũng xây dựng theo hướng để không chồng chéo như Thanh tra Tổng cục Thuế, thanh tra hải quan đã đảm nhiệm thì khi xây dựng kế hoạch thanh tra của bộ thì bộ trưởng sẽ duyệt là “không có trùng nhau”. Và đã đảm nhiệm rồi là theo nguyên tắc thanh tra cấp trên có quyền thanh tra lại cấp dưới khi có vấn đề.
Bỏ hình thức thanh tra thường xuyên
Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì có 3 hình thức thanh tra: Thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; thanh tra đột xuất. Dự thảo luật bỏ hình thức “thanh tra thường xuyên”.
“Chúng tôi mạnh dạn đề nghị bỏ hình thức thanh tra thường xuyên vì thực chất không có lực lượng làm”, Tổng Thanh tra nói và cho biết, từ trước đến nay chủ yếu tập trung 2 nhiệm vụ là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất. Trong đó, riêng thanh tra đột xuất chiếm 30-50% thanh tra theo kế hoạch hàng năm như năm 2022, Thủ tướng chỉ đạo thanh tra về y tế, phòng chống dịch; điện lực; xăng dầu…
Tán thành với dự thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, nên nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.
“Việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên sẽ góp phần khắc phục tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân