Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất mới người tiêu dùng có “nghĩa vụ”, đưa thông tin sai gây thiệt hại phải bồi thường

Hương Giang

Thứ ba, 04/04/2023 - 14:11

(Thanh tra) - Dự thảo mới nhất bổ sung quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Đ.X

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gửi các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Không làm phát sinh gánh nặng bất hợp cho cá nhân, tổ chức kinh doanh

Một trong những vấn đề lớn trong quá trình thảo luận dự luật này là quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Tại báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban thống nhất với cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo luật, đảm bảo cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

Điều này nhằm không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cụ thể, dự thảo thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” của người tiêu dùng tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong “trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục”.

Giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng thủ tục rút gọn

Vấn đề nữa liên quan đến thủ tục giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Lê Quang Huy, quá trình thảo luận, còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong dự thảo luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành sẽ không thể áp dụng được, trong khi đa số các vụ trách cấp có giá trị nhỏ, cần giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ngược lại là loại ý kiến thứ hai không đồng tình quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo luật. Vì nếu quy định sẽ không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, ảnh hưởng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Huy cho hay, sau khi nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo luật.

“Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu.

Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 79 điều; sửa đổi, bổ sung 58 điều (bao gồm các điều được bỏ, chuyển nội dung sang điều khác, bổ sung 2 điều), giữ nguyên 21 điều; và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều mai (5/4), Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 5 vào tháng 5 tới đây.

Điều 5. Nghĩa vụ của người tiêu dùng (dự thảo luật)

1. Kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

2. Tiêu dùng bền vững, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác.

3. Tuân thủ các điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng của người cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

5. Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: Bế mạc Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII

Cao Bằng: Bế mạc Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khóa XVII

(Thanh tra) - Sáng 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 26 bước vào phiên họp cuối, thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Trung Hà

14:53 11/12/2024
Hà Giang phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.400 tỷ đồng

Hà Giang phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã tổ chức phiên thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Bùi Bình

14:35 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm