Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất dự thảo kết luận thanh tra vụ phức tạp phải báo cáo thủ trưởng cơ quan Nhà nước

Hương Giang

Thứ ba, 25/10/2022 - 07:00

(Thanh tra)- Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) mới nhất trình Quốc hội ở kỳ họp 4 bổ sung quy định, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo về dự thảo kết luận thanh tra.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). So với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp 3, dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.

Ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật cho biết, có ý kiến đề nghị sửa đổi luật này, một mặt phải tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, mặt khác cũng phải ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, nhất là với nội dung thanh tra liên quan đến an ninh, quốc phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc phức tạp dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để quy định rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động thanh tra.

Theo đó, dự thảo luật nêu rõ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng cơ quan khác của Nhà nước phải có “trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Cùng với đó, quy định rõ và tăng cường trách nhiệm chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng như với người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên…

Đáng chú ý, dự thảo mới nhất trình Quốc hội ở kỳ họp này đã bổ sung quy định: “Dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo.

Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra không bắt buộc với mọi cuộc thanh tra

Đi vào nội dung cụ thể, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật đề cập nhiều vấn đề, trong đó có nội dung thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Trước đó, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị xem xét lại sự cần thiết của việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Ý kiến đề nghị rà soát sửa lại theo hướng không quy định bắt buộc phải thẩm định với mọi cuộc thanh tra…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Trên cơ sở hồ sơ tài liệu của đoàn thanh tra, người thẩm định có trách nhiệm đánh giá về sự đầy đủ trong các căn cứ để đưa ra nhận định, kết luận về các nội dung thanh tra, việc áp dụng pháp luật cũng như sự phù hợp, tính khả thi của các kiến nghị trong kết luận thanh tra mà không nhất thiết phải tiến hành kiểm tra, xác minh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các trường hợp cần thiết phải thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và chỉnh lý theo hướng “việc thẩm định không phải là một thủ tục bắt buộc với mọi cuộc thanh tra, nhất là đối với thanh tra chuyên ngành”.

Theo đó, chỉ dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và dự thảo kết luận thanh tra hành chính của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh mới phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Còn việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác chỉ “thực hiện khi cần thiết, theo quyết định của người ra quyết định thanh tra”.

Chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền ra quyết định thanh tra

Vấn đề nữa, Điều 57 dự thảo luật quy định thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về thủ trưởng cơ quan thanh tra. Như vậy, so với luật hiện hành, dự thảo luật đã bỏ quy định, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước được ra quyết định thanh tra.

Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền ra quyết định thanh tra cho thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để “bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các cuộc thanh tra có nội dung phức tạp, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị”

Về vấn đề này, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần sửa đổi này nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động thanh tra; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước với thủ trưởng cơ quan thanh tra với hoạt động thanh tra.

Theo đó, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo luật chỉ giao thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định nhằm “tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan Nhà nước”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung này như quy định của dự thảo luật.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật về việc duy trì hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện.

“Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao”, báo cáo nêu.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ thanh tra huyện, đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua.

Về đề xuất thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục thuộc bộ, để kiểm soát chặt chẽ, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo luật đã quy định rõ các tiêu chí, nguyên tắc thành lập.

Theo đó, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập trong 3 trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) tại các tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; (3) theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm