Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị khi nhậm chức phải tuyên thệ chống tham nhũng

Thứ sáu, 01/04/2016 - 20:57

(Thanh tra) - Sáng ngày 1/4, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, khi nhậm chức phải tuyên thệ không tham nhũng, phải coi tham nhũng như “giặc nội xâm” quyết tâm chống, cũng như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc không để mất “nỏ thần” trước tình hình Biển Đông phức tạp...

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, “Thủ tướng Chính phủ mới khi nhậm chức cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng lãng phí một cách mạnh mẽ". Ảnh: TN

Tham nhũng ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đồng ý với ý kiến cho rằng, đất nước chúng ta đang có nội xâm và ngoại xâm, nên cần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự nghiệp xây dựng đất nước.

“Câu nói này có thể giống như một khẩu hiệu quen thuộc và ai cũng tán thành nhưng vừa qua, theo tôi, nhận thức về nội hàm của nó không có sự nhất trí. Do đó, chủ trương, biện pháp gây tổn thương đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ly tán lòng người", ông Nghĩa nêu.

Để xây dựng đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân, người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi.

Cùng với đó, "cán bộ công chức giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức. Trước mắt, cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân, doanh nghiệp".

ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, “Thủ tướng Chính phủ mới khi nhậm chức cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng lãng phí một cách mạnh mẽ. Lời tuyên thệ này cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lần tuyên bố rõ ràng mạnh mẽ về Biển Đông”.

Nhận xét về tình hình phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ 5 năm (2011 - 2016), theo ông Hùng, cần phải nhận thức rõ hơn tham nhũng, lãng phí là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia.

Báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng, lãng phí chỉ mới nói việc này được “chú trọng” và “đẩy mạnh”. “Nhưng dùng từ như trên theo tôi là chưa tích cực, không đủ mạnh. Tôi cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu”, ĐB Bùi Mạnh Hùng nói.

Tham nhũng ngày càng tinh vi  phức tạp hơn. Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cả tham nhũng chính sách. Tham nhũng không còn đơn lẻ mà đã có sự cấu kết, không chỉ một cấp không chỉ một ngành mà ở nhiều bộ phận.

Trong khi “việc chống tham nhũng chưa đủ mạnh, còn nể nang. Đặc biệt là chú trọng tham nhũng nhưng chống lãng phí thì hạn chế. Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật bị sa thải vì lãng phí”, ĐB Hùng đánh giá và đề nghị, “phải coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt, đồng bộ hoàn thiện hơn.”

“Nỏ thần chớ để sang tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sông”

Không chỉ lưu ý "giặc nội xâm”, các vị ĐBQH cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình phức tạp Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp lại với tình hình hiện nay, ĐB Nghĩa nói: "Nỏ thần chớ để sang tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sông”.

“Nỏ thần chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào, nhờ nó mà đất nước, dân tộc đã tồn tại hơn 4.000 năm qua. Và nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đất nước ta sẽ gia nhập các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà là một dân tộc biết cách làm văn minh, thịnh vượng.

ĐBQH Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nêu rõ, “những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng. Tôi hy vọng Đảng ta, Nhà nước ta sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình”.

Chia sẻ với ĐB Vũ Công Tiến, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa.

Trong 5 năm qua (2011 - 2015) dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có quan tâm, đầu tư các trang thiết bị chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng, 5 năm tới Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân như ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực; cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển…

 “Cần phòng, chống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, không để xảy ra khủng bố”, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa lưu ý.

Tình hình Biển Đông đang khiến các ĐBQH quan ngại khi mới đây Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo cho biết giàn khoan Hải Dương 943 của nước này sẽ hoạt động tại giếng LD 11-1-1, ở vị trí có tọa độ 17°47’28,8’’ vĩ Bắc, 108°46’00’’ kinh Đông, từ 25/3 - 31/7. Đây là một động thái cần theo dõi và phân tích.

Theo thông báo này, giàn khoan cách TP Tam Á ở đảo Hải Nam 50 hải lý về phía Tây Nam, vị trí giàn khoan này nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Hải Dương 943 là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 122m và có thể khoan sâu đến 10.668m. Đây là chuyến tác nghiệp đầu tiên của giàn khoan này sau khi được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) vào tháng 1.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm