Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 08/11/2021 - 17:11
(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị dành 1 ngày quốc tang cho hơn 22.000 người đã tử vong do COVID- 19. Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề xuất chọn ngày 27/4 làm ngày tưởng niệm…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội)
Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đề cập đến công tác phòng chống COVID -19, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, sự chủ động quyết liệt của Chính phủ nên đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh để lại hết sức to lớn cả người và của, tính đến nay trên 22.000 đồng bào, chiến sỹ, cán bộ tuyến đầu chống dịch tử vong.
“Để tưởng niệm những hy sinh, mất mát trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên lấy 1 ngày làm ngày tưởng niệm nạn nhân tử nạn vì COVID -19 và tôi đề xuất ngày 27/4 - ngày bùng phát đợt dịch thứ 4, gây thiệt hại nặng nề nhất cả về kinh tế cũng như sinh mạng người dân”, ông Thông nói, đây cũng là mong muốn của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhắc đến con số cho đến hôm nay đã có 22.500 người bị tử vong do COVID -19. Theo ông, mất mát này là hết sức to lớn.
“Có thể nói, từ sau năm 1975 đến nay thì tổn thất về người lần này là lớn nhất, là nhiều nhất. Bởi vậy, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV này tôi đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức quốc tang cho những người đã mất vì dịch COVID -19”, ông Trí nói.
Cho hay trên thế giới có một số nước làm việc này, đại biểu nêu 3 lý do đề xuất này.
Đầu tiên, theo ông Trí, 22.500 người tử vong vì dịch COVID -19 vừa qua là rất lớn, rất đáng để đất nước dành cho họ một ngày quốc tang. Điều này cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị trong Thông báo số 19 ngày 22/4/2011 là “đồng ý tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân”.
Thứ hai, hầu hết những người đã mất trong đại dịch đã ra đi trong đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên không được tổ chức mai táng chu toàn.
“Dành cho họ một ngày quốc tang là rất nhân văn, là rất nhân nghĩa và cũng rất nhân ái, đúng với đạo lý của con người Việt Nam”, ông Trí nhấn mạnh.
Lý do thứ 3, ông Trí cho rằng, dành 1 ngày quốc tang cho 22.500 người đã mất là để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là; đồng lòng, quyết tâm hơn trong công cuộc chống đại dịch cam go và ác liệt này.
“Rất mong Chính phủ sớm lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức 1 ngày quốc tang cho những người đã mất trong địa dịch COVID -19”, đại biểu đoàn TP Hà Nội tha thiết.
"Gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời để bắt kịp được thời cơ phục hồi”
Một vấn đề nữa được đại biểu đoàn Bình Thuận đề cập là những “tín hiệu tốt” trong năm 2021, từ đó nhận định mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% là “có thể đạt được”, nhưng phải có sự quyết tâm thật lớn từ Trung ương đến địa phương.
Ông Thông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiễn miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp nêu trong Nghị quyết 105 của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ….
“Các gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời để bắt kịp được thời cơ phục hồi”, ông nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ lập quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay, như điều kiện cho vay có thể được nới lỏng, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Nhất là khẩn trương triển khai thật sớm Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về miễn, giảm thuế.
Theo ông Thông, báo cáo của Chính phủ có nêu, dự kiến cả năm, tổng số tiền các cấp, các ngành thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất… khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản được gia hạn là 115 nghìn tỷ đồng, khoản miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Dẫn chứng, doanh nghiệp đã ủng hộ 8.795 nghìn tỷ cho quỹ vaccine, đại biểu cho rằng, khoản miễn giảm còn “quá thấp”, chưa tương xứng với đóng góp của doanh nghiệp cho phòng chống dịch.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ và các địa phương có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn; xem đây là nguồn đầu tư trở lại để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
“Tôi nghĩ, nếu chúng ta bỏ một đồng cho doanh nghiệp, có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó kích thích quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. Quá trình đó, cần quan tâm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay, là nơi có nhiều lao động nhất”, đại biểu Thông nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân