Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ chế đặc thù cho TP HCM: Phân quyền mạnh nhưng “thiếu vắng” quy định trách nhiệm

Hương Giang

Thứ sáu, 26/05/2023 - 10:02

(Thanh tra) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thấy “còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 25/5, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu đề ra là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.

Theo ông Dũng, xét về tính mới và kế thừa, dự thảo nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách gồm: Các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết 54 - cơ chế, chính đặc thù đang thực hiện; các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh sau đó trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Theo ông Lê Quang Mạnh, cơ quan thẩm tra lưu ý, việc ban hành nghị quyết lần này cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển TP HCM, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ thời gian qua, song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.

“Chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” nhưng cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí”, ông Mạnh nêu trước Quốc hội.

Ủy ban Tài chính Ngân sách còn lưu ý, chính sách phải mang tính lan tỏa, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, giám chịu trách nhiệm.

Hiện nay, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án Triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP HCM làm thí điểm.

“Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng”, theo cơ quan thẩm tra.

Không tán thành TP HCM được dùng nguồn tăng thu ngân sách để đầu tư công 

Trong nhóm chính sách cơ chế đặc thù mới, Chính phủ đề xuất cho TP HCM sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch đầu tư công.

Ông Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách lo ngại việc này sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật liên quan ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công giữa TP HCM và 62 địa phương khác trên cả nước.

Để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Trái lại, cũng có kiến khác cho rằng cơ chế này là cần thiết nhằm tạo cơ chế rõ ràng, rút ngắn quy trình bổ sung dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, HĐND TP có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách TP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục tiêu đề ra là xây dựng các cơ chế đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP HCM. Ảnh: P.Thắng

Điểm mới đáng chú ý lần này, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) - là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những TP lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Mô hình TOD làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị. Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành thí điểm mô hình trên. Theo ông Mạnh, để bảo đảm chặt chẽ và bao quát, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị bổ sung quy định: trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch; nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường.

Quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Chính phủ đề xuất giao TP HCM không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Cơ quan thẩm tra cho biết đa số ý kiến e ngại trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn, gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp.

“Để tạo chủ động, tán thành thí điểm giao TP linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Mạnh nói.

Trong báo cáo trình ra Chính phủ lần này, Chính phủ đề xuất sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công trên địa bàn để đặt hệ thống điện mặt trời. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí chủ trương này nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh.

Song để đảm bảo căn cứ triển khai thực hiện, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị làm rõ nguồn lực thực hiện việc chuyển đổi; cần có giải pháp xử lý kỹ thuật, tránh quá tải, mất an toàn lưới điện và phải bảo đảm không gây hậu quả cho môi trường.

Về cơ cấu - tổ chức hành chính, Chính phủ đề xuất giao TP HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định số lượng cấp phó của UBND TP HCM và UBND phường, xã, thị trấn; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.

Theo cơ chế Chính phủ trình, TP HCM cũng được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP HCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; quy định việc HĐND TP HCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP Thủ Đức.

“Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm; đề nghị bổ sung để bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm”, ông Mạnh nêu ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“TP HCM cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động”, theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm