Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chúng ta có trách nhiệm phát huy giá trị của Cách mạng tháng Tám

Thứ bảy, 01/09/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Trao đổi với báo chí, Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh, trách nhiệm của chúng ta, của người viết sử, của những thầy cô giáo dạy lịch sử, trách nhiệm của những nhà chính trị là làm sao phát huy được giá trị của cuộc Cách mạng tháng Tám.

Nhà sử học - ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Thảo Nguyên

Phải bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần

Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 năm 1945 diễn ra cách đây đã 73 năm. Theo Nhà sử học, những người trẻ nhất trong cuộc cách mạng ấy cũng ngót 100 tuổi. Tức là, cuộc cách mạng ấy chuẩn bị đi vào lịch sử.

“Việc nối tiếp là trách nhiệm của ai? Đó là, trách nhiệm của chúng ta, của người viết sử, của những thầy cô giáo dạy lịch sử, trách nhiệm của những nhà chính trị để làm sao phát huy được giá trị tinh thần của nó”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa là bảo tồn những giá trị vật chất. Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ, đây đang là điều đáng tiếc.

“Cuộc Cách mạng tháng Tám - một sự kiện lớn như thế, chấm dứt cả 1 thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, chấm dứt hàng mấy thiên niên kỷ chế độ quân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển như vậy nhưng Hà Nội không có đường phố mang tên Cách mạng tháng Tám, trong khi TP Hồ Chí Minh có rồi. Ngay Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng không có biểu tượng, không có đài độc lập. Tôi không chủ trương xây nhiều, nhưng ít nhất phải có 1 biểu tượng cao quý nhất”.

Ông nói tiếp, quảng trường Nhà hát lớn cũng chỉ có một tấm bia nhỏ trên vỉa hè. Tất cả những nơi có dấu tích của cuộc cách mạng ấy như nơi đặt trụ sở Ban Thường vụ đầu tiên của Quốc hội ở Hàng Trống thì giờ cũng thành quán xá…Chỉ còn ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội) - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn giữ được, nhưng lại không phản ánh đúng là 1 bảo tàng.

“Có người còn nói Bác Hồ về Hà Nội ở nhà giàu nhỉ vì không giới thiệu nhà này là của ông, bà Trịnh Văn Bô ngoài vài cái ảnh. Chúng ta chủ yếu tập trung vào tầng 2 - nơi Bác Hồ ngồi viết Bản tuyên ngôn độc lập, nên làm giảm đi rất nhiều giá trị mà lẽ ra bằng ngôn ngữ bảo tàng chúng ta có thể phát huy được. Cuối cùng nó chỉ là cái nhà rỗng, ngày lễ, ngày tết chỉ mở cửa 1 chút thôi”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

ĐB cũng bày tỏ lo lắng khi nhận được thông tin sẽ thu hẹp Cung thiếu nhi Hà Nội. Vì trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội có một không gian cực kỳ quan trọng, đó là nơi Bác Hồ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 để gạt quân Tưởng Giới Thạch ra khỏi đất nước. “Tôi chưa biết có đụng chạm đến không gian này không, nhưng nếu thu nhỏ và hủy bỏ không gian này thì chúng ta đang tự hạ thấp lịch sử của Đảng”, Nhà sử học gay gắt.

Khẳng định con đường phát triển phù hợp với xu thế thời đại

Một vấn đề nữa, khi nhắc đến cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử và Quốc khánh mùng 2/9, không ai có thể quên Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu, Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc, mà còn định hướng, thông điệp về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam sau khi giải phóng. Đó là con đường phát triển phù hợp với xu thế của thời đại.

“Bản Tuyên ngôn Độc lập ấy chứa đựng rất nhiều giá trị, khẳng định cách mạng Việt Nam, công cuộc giành chính quyền ở Việt Nam không tách rời sự tiến bộ của thế giới. Không tự nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) để nói đến quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của tất cả mọi người”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng định chế độ chính trị tiên tiến nhất. “Khi thành lập chính quyền, chúng ta không thành lập chính quyền Xô Viết, điều từng manh nha ở thời kỳ Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh mà lại lựa chọn chế độ dân chủ với tiêu chí độc lập, tự do, hạnh phúc. Bác Hồ đã đặt nền độc lập Việt Nam vào trong quỹ đạo của sự phát triển tiến bộ nhất”, ĐBQH nói.

Cũng theo Nhà sử học, trong Bản Tuyên ngôn Độc lập có những chi tiết khi nhìn lại mới thấy được tầm vóc của nó như quyền bình đẳng nam - nữ trong quyền chính trị. Và ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, người phụ nữ được đi bầu, thậm chí người phụ nữ cũng được bầu.

“Bây giờ câu chuyện bình đẳng nam - nữ rất bình thường nhưng vào những năm 1945-1946 ngay một số nước ở Châu Âu cũng chưa gặp. Đó là, chưa nói đến quyền bình đẳng về tôn giáo. Tất cả những thể chế chính trị, tất cả những điều chúng ta đã làm tuy trong một thời gian ngắn trước khi chiến tranh bùng nổ, có thể nói đã phản ánh quy chuẩn như của một quốc gia hiện đại”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm