Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội xem xét, ban hành nhiều nghị quyết triển khai Luật Thủ đô

Hải Hà

Thứ ba, 19/11/2024 - 14:53

(Thanh tra) - Sáng 19/11, HĐND thành phố Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội.

Hà Nội xem xét, ban hành nhiều nghị quyết triển khai Luật Thủ đô. Ảnh: HH

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thường trực HĐND thành phố quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền gồm 2 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, HĐND thành phố xem xét, quyết nghị về một số nội dung để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (một số nội dung thì có hiệu lực từ ngày 1/7/2025).

Theo kế hoạch, HĐND thành phố sẽ ban hành 89 nghị quyết, gồm 76 nội dung quy phạm pháp luật và 13 nội dung văn bản cá biệt. Dự kiến trong năm 2024 sẽ ban hành 28 Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 để đảm bảo cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Tại Kỳ họp thứ 19 này, HĐND thành phố sẽ xem xét, ban hành 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô gồm các nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy như: Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của Thành phố và các quận, huyện, thị xã; quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố; việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại các xã, phường, thị trấn...

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố có những nội dung rất quan trọng để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô. Ảnh: HH

Thứ hai, HĐND thành phố cũng xem xét 4 nội dung quan trọng, để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của thành phố gồm: Chính sách tiếp tục hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ; đề án giao thông thông minh của thành phố; nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng của một số khu công nghiệp; quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố…

Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố có những nội dung rất quan trọng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, tham gia thảo luận; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, thẳng thắn, chất lượng và quyết nghị các nội dung theo chương trình kỳ họp.

Đáng chú ý, tại kỳ họp sáng nay, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với các nội dung như trong dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa khoản 1 Điều 15 Luật Thủ đô.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: HH

Trưởng ban Pháp chế HĐND đồng thời nhấn mạnh cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định như đối với cán bộ, công chức để đảm bảo nâng cao chất lượng cán bộ công chức trên địa bàn thành phố.

Việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội phải được thực hiện công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng theo quy định của Nghị quyết.

Về điều kiện, tiêu chuẩn chuyển cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn; công chức làm việc tại xã, thị trấn vào biên chế hành chính cấp huyện, Ban Pháp chế thống nhất với các quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết gồm các điều kiện về độ tuổi, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, tiêu chuẩn về ngạch công chức chuyên ngành hành chính...

Quy định này nhằm đảo bảo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đủ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và phẩm chất mới được chuyển thành công cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, kéo thấp chất lượng cán bộ, công chức của thành phố.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm