Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội “nóng ruột” khi Chương trình Phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi triển khai chậm

Hương Giang

Thứ ba, 14/09/2021 - 11:01

(Thanh tra) - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 mang ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn. Sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình hầu hết vẫn “nằm trên đề án” dù không vướng gì cả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, quyết định đầu tư Chương trình vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Trách nhiệm với chính sách này lớn, người dân rất kỳ vọng

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 13/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, khi Chính phủ trình, Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì “rất khí thế”. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, Chương trình hầu như không có chuyển động gì, hầu hết đều “nằm trên đề án” dù không vướng gì cả.

“Chính phủ phải tổ chức kiểm điểm, xem trách nhiệm nằm ở bộ, ngành nào. Nguyên nhân khách quan, chủ quan, không thể nói kiểu dĩ hòa vi quý được. Trách nhiệm với chính sách này lớn lắm, người dân rất kỳ vọng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

“Vừa rồi các đồng chí nói có nguyên nhân khách quan thế nọ, thế kia nhưng đã giải ngân gì đâu mà nói là do COVID-19?”, ông Vương Đình Huệ nêu.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Đ.X

Từ kinh nghiệm làm Trưởng Ban Chỉ đạo hai Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Quốc hội cho hay, ra được thể chế cho mỗi chương trình “chạy” được, ít nhất là 40, thậm chí 50-60 văn bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là được “tích hợp” từ khoảng 120 chính sách về dân tộc, miền núi.

Tuy có cái khó, nhưng ông Vương Đình Huệ cho rằng, rõ ràng có trách nhiệm của các bộ, ngành khi làm việc rất chậm.

“Tôi đọc thấy nóng ruột lắm”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ và nhấn mạnh, trong các nguyên nhân thì nguyên nhân chủ quan là chính. Chúng ta đang ngồi xây dựng thể chế, chính sách chứ đã triển khai, giải ngân gì đâu mà ảnh hưởng bởi COVID -19?

Phải rõ trách nhiệm, rõ mục tiêu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, đây là chương trình có vai trò rất quan trọng với người dân. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đảm bảo các mục tiêu và tính khả thi có thể thực hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Đ.X

Khi đã xác định được những yếu tố trên, các bộ, ngành cần có giải pháp căn cơ để huy động được nhiều nguồn lực trong nước, nguồn vốn ODA. “Quá trình triển khai Chương trình, Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì”, bà Thúy Anh nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo; cơ quan chủ trì phải hệ thống hóa, dự kiến tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, khi nào xong, mục tiêu rõ ràng, báo cáo Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

“Chúng ta phải làm sao để Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua những chương trình thế này”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, sau 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch đề nghị Chính phủ sơ kết, đánh giá để làm rõ trách nhiệm của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, TP và các cơ quan liên quan trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ chậm.

Cùng với đó, đôn đốc, sớm ban hành quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, cần ưu tiên đầu tư; sớm giải ngân vốn đầu tư đã được phân bổ năm 2021.

Chính phủ cũng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng khó khăn, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Phân cấp mạnh cho địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương…

Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10.016 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.967 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm