Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội: Làm nhà ở xã hội không qua đấu thầu phải tránh xin - cho

Hương Giang

Thứ tư, 21/05/2025 - 13:56

(Thanh tra) - Ủng hộ cơ chế chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội song Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin - cho.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Một trong những cơ chế đặc thù, Chính phủ đề xuất là cho phép giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.

Đề xuất chủ đầu tư được làm nhà ở xã hội không qua đấu thầu

Nhấn mạnh nhà ở xã hội được người dân rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết.

Theo ông, từ năm 2021 tới nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội, song số lượng căn nhà ở xã hội mới đạt 15,6%. Trong khi mục tiêu tới 2030 phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người dân thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Chính phủ đã dành gói 120.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận định, tiến độ giải ngân rất chậm.

“Chậm ở đây là do chúng ta chưa chỉ đạo quyết liệt và do cả thủ tục hành chính vì triển khai một dự án nhà ở xã hội với quy trình hiện nay, phải mất thời gian tới 2 năm”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ cơ chế chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội song đề nghị cần công khai, minh bạch tránh cơ chế xin - cho. Ảnh: P.Thắng

Dự thảo nghị quyết lần này, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.

Cơ chế đặc thù này, theo ông Trần Thanh Mẫn, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư chỉ còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày - tương ứng khoảng 70% so với hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ cơ chế chỉ định thầu dự án nhà ở xã hội song đề nghị cần công khai, minh bạch tránh cơ chế xin - cho.

Ông cũng tán thành cắt giảm thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội, nhưng phải có giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thực hiện hiệu quả các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025.

"Sáng nay trước khi về thảo luận tổ, Thủ tướng có đề nghị với tôi là nghị quyết này làm sao đẩy lên thông qua sớm. Tôi đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội xem tình hình thảo luận, nếu sự đồng thuận cao thì nghị quyết này chúng ta thông qua sớm để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với Quỹ nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xác định rõ mô hình hoạt động, tư cách pháp nhân, chức năng nhiệm vụ. Cùng đó, làm rõ quan hệ với quỹ khác đã có như Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý Quỹ nhà ở quốc gia để cấp vốn cho đầu tư xây dựng. Do đó, ông cho rằng cần bổ sung quy định Chính phủ cân đối nguồn vốn, hoặc hướng dẫn địa phương cân đối vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có nguồn lực thực hiện.

Tiền, nguồn lực ở đâu để làm nhà ở xã hội?

Đặt vấn đề “tiền, nguồn lực ở đâu để làm nhà ở xã hội?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang cho rằng, dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội cũng cần đưa ra rõ kế hoạch, bố trí nguồn lực dự kiến cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang. Ảnh: P.Thắng

“Năm nay sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa phương thì kế hoạch tính làm bao nhiêu căn nhà ở xã hội để có chỗ ở cho cán bộ công chức? Cần xem lại quy hoạch về nhà ở xã hội để có nguồn lực đầu tư thỏa đáng”, ông Giang góp ý.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nêu thực tế năm 2023, khi Quốc hội giám sát tối cao về chính sách liên quan bất động sản và nhà ở xã hội thấy các thủ tục, quy định liên quan nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại, phải mất 3-5 năm mới có dự án nhà ở xã hội nếu mọi việc suôn sẻ.

Vì vậy, theo đại biểu Hùng, trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, rất cần cơ chế, chính sách đặc thù.

Đề cập đến Quỹ nhà ở quốc gia, ông Hùng nhấn mạnh cần thiết thành lập quỹ này, những theo ông, dự thảo chưa làm rõ ai sẽ quản lý quỹ này.

“Nếu lại giao cho Mặt trận Tổ quốc hay Tổng Liên đoàn Lao động thì không ổn, vì vừa đầu tư xây dựng, vừa cho thuê, thuê mua, một cơ quan như MTTQ có đảm nhiệm được không, rất phức tạp”, ông nói.

Đại biểu đoàn Cần Thơ đề nghị Chính phủ làm rõ cơ quan nào điều hành, cơ chế vận hành, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của quỹ thế nào.

Về thẩm định giá mua, thuê mua nhà ở xã hội, ông Hùng đánh giá lần này có bước rất đột phá là giao cho chủ đầu tư mà không cần phải thông qua các cơ quan thẩm định như trước đây.

“Giao quyền như vậy tạo sự chủ động, rất tốt, nhưng qua giám sát cho thấy hiện khung giá bán nhà ở xã hội rất khác nhau giữa các dự án và các địa phương”, ông Hùng nói và dẫn chứng ở Yên Phong (Bắc Ninh), dự án nhà ở xã hội chỉ có giá 8-10 triệu/m2, trong khi ở Hải Phòng bán 17-18 triệu đồng/m2.

Nhấn mạnh không nên coi nhà ở xã hội là chất lượng thấp, ông Hùng cho rằng, chất lượng và dịch vụ phải như nhà ở thương mại. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri

(Thanh tra) - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 17/6, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu HĐND tỉnh đã đồng loạt tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Trọng Tài

22:47 17/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm