Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ tịch Quốc hội: Không “lẫn lộn” quan hệ đất đai mang tính chất công với tư

Hương Giang

Thứ năm, 22/09/2022 - 13:10

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sửa Luật Đất đai phải đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể; tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 22/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Vấn đề chưa “chín, chưa đủ cơ sở” tuyệt đối chưa đưa vào luật

Nếu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông, kết quả cuối cùng của dự án luật này là ví dụ sinh động nhất để đánh giá: Năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội; năng lực kiến tạo phát triển, tháo gỡ những vướng mắc trước đây, không để xảy ra những khó khăn vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai minh bạch trong xây dựng pháp luật…

“Đây cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật”, ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư cho rằng “giàu cũng vì đất, nghèo cũng vì đất”, tranh chấp khiếu kiện 60 - 70-% vì đất đai, mất tình làng nghĩa xóm, anh em trong nhà cũng vì đất đai; thậm chí tham nhũng, đi tù cũng vì đất đai…

Từ đó, ông đề nghị, quá trình sửa đổi luật phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18, cố gắng từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật chứ không chỉ nhắc lại tinh thần lời văn của nghị quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có 16 nhóm vấn đề đặt ra, nhưng những vấn đề “chưa đủ độ chín, chưa đủ cơ sở thì tuyệt đối chưa đưa vào luật này”. “Chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã rõ”.

“Những gì đã không đưa vào nghị quyết thì không đưa vào dự thảo luật xin ý kiến, vì làm như thế là sai nguyên tắc”, ông Huệ nói rõ.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng dự thảo quy định trường hợp thu hồi đất các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất. Theo ông, như vậy là không được.

“Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính. Không thể dân sự lại áp dụng hành chính để thu hồi được”, ông Huệ nói.

Tránh hợp thực hóa vi phạm, tách bạch quan hệ đất đai công - tư 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài.

“Tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nói, không phải bất cứ điều gì mà đơn vị, cá nhân nào đề xuất thì đưa vào luật. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công (như quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận…) với quan hệ đất đai mang tính chất tư (giao dịch, cho thuê, thừa kế, tặng, cho). “Việc này phải tường minh, không lẫn lộn”, theo Chủ tịch Quốc hội.

Về giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh đây là việc “khó nhất, không phải dễ” nên cần quy định trong luật làm sao để vận hành được.

Theo ông, khi đã quy định bỏ khung giá đất, cần làm rõ vai trò của HĐND, UBND, của các cơ quan tham mưu ra sao; định nghĩa thế nào về giá theo nguyên tắc thị trường…

Dự án luật này được xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 vào cuối năm 2023.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm