Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ ý kiến sau phát biểu còn điều “ngổn ngang” khi không tái cử của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Hương Giang

Thứ năm, 25/03/2021 - 18:57

(Thanh tra) - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với các đại biểu không tái cử Quốc hội khoá XV thì về làm cử tri và vẫn có quyền theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 25/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Phát biểu tại tổ Cần Thơ, Bến Tre, Bình Phước, Hà Nam, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chia sẻ tâm trạng khi không tham gia Quốc hội khoá XV tới đây.

“Tôi thấy, còn khá nhiều vấn đề ngổn ngang kiến nghị các cơ quan. Khi tôi không làm đại biểu Quốc hội nữa thì ai sẽ là người giải quyết vấn đề này. Những vấn đề tôi đặt ra từ trước đến nay sẽ được giải quyết như thế nào?”, ông Nhưỡng nói.

Theo Phó Ban Dân nguyện, có những vấn đề ông kiến nghị đang giải quyết chưa có kết quả, có những vấn đề đang chờ đợi giải quyết, có những vấn đề giải quyết rồi tôi vẫn chưa yên tâm.

“Câu hỏi mà tôi đặt ra với cá nhân tôi như thế không biết các vị cảm nhận như thế nào, nhưng bản thân tôi thấy còn quá nhiều vấn đề”, đại biểu Nhưỡng bày tỏ.

Ông Nhưỡng cũng cho biết, trong năm 2020, ông nhận được 256 văn bản trả lời từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, trưởng ngành và các địa phương. Trong đó, chỉ có 1 số lượng % nhất định ông đồng tình, còn lại tiếp tục có ý kiến trở lại.

“Nếu bỏ lửng thì không biết sẽ giải quyết như thế nào và chưa có cơ chế nào bảo đảm tiếp tục. Còn bàn giao thì chắc chắn không được rồi”, ông Nhưỡng băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Đ.X

Nghe đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngồi cùng tổ nói, nếu chúng ta không tái cử nữa thì về làm cử tri. Làm cử tri, chúng ta vẫn có quyền theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, vẫn kiến nghị, đề xuất và phản biện những chính sách, pháp luật của Quốc hội.

“Riêng đồng chí Lưu Bình Nhưỡng còn là Phó Ban Dân nguyện, là nơi tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thì lại càng có điều kiện để theo dõi được những việc mà Quốc hội chưa làm được để tham mưu cho khoá tới làm tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Trong phát biểu của mình, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ bản thâncó rất nhiều cảm xúc, đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan, cũng như hoạt động của Quốc hội.

“Trong kết quả thắng lợi của Chính phủ, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội”, đại biểu nói và nhấn mạnh hoạt động của Quốc hội rất dân chủ, nhân văn. 

Ông cho rằng, Quốc hội không “xuê xoa” mà tạo áp lực cần thiết đủ độ để Chính phủ hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tòa án, Viện Kiểm sát cũng thực hiện khối lượng công việc rất lớn. 

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, vẫn còn điều khiến ông băn khoăn, trong đó, có công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử). Ông cho rằng, công tác phối hợp rất quan quan trọng nhưng không cẩn thận sẽ thành “thoả hiệp để buổi tội hoặc thoả hợp để bao che”. Cho nên, Quốc hội cần giám sát rất kỹ lưỡng công tác phối hợp trong hoạt động tư pháp. 

“Tôi mong muốn rằng, Chính phủ là một Chính phủ sáng tạo, hành động; Quốc hội là một Quốc hội nhân văn - đỉnh cao của quyền lực nhân dân; còn cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án là biểu tượng - hiện thân của công lý. Nếu 3 nhánh này thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ có 1 Nhà nước mạnh, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào quá trình thực hiện pháp luật”, Phó Ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm