Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 19/11/2013 - 21:36
(Thanh tra) - Sáng nay (19/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Ánh Tuyết
Theo Báo cáo, các nội dung trong Nghị quyết số 30/2012/QH13 và Nghị quyết số 40/2012/QH13 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; nợ đọng xây dựng cơ bản; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông… Đến nay, đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; chống buôn lậu và gian lận thương mại; thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiêu thụ nông sản; nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông... - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận.
3 nhóm vấn đề được tập trung giải quyết
Riêng tại kỳ họp thứ 5, các nội dung chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - thể thao, du lịch và lao động - thương binh và xã hội.
Kết quả cụ thể về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã thực hiện quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với thị trường và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương gắn với bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm công khai minh bạch, liên kết với quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013). Đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tái cơ cấu toàn diện về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối, công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế, yếu kém. Công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo thị trường, quản lý chất lượng và giá cả vật tư đầu vào còn chưa tốt. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp; tổn thất sau thu hoạch còn lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập. Việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa hài hòa được lợi ích của người sản xuất. Chưa có nhiều nông sản thương hiệu mạnh. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong việc tăng năng lực, hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập và đời sống nông dân. Công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn còn hạn chế…
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên cả 3 phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm được tăng cường, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Qua đó đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Tuy có nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 6,1 triệu lượt, tăng 10,4%, ước cả năm 7,5 triệu, tăng 9,5%; khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 10%; ước cả năm 35 triệu, tăng 7,7%.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động về phát triển thể dục, thể thao; phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia.
Bên cạnh đó, Báo cáo Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, tổ chức lễ hội vẫn còn lãng phí, công tác quản lý văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn hạn chế. Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đã ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm trong nước, trong đó có hỗ trợ về học phí, tín dụng, tư vấn việc làm, đất đai, thuế...
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm chính sách người có công được tăng cường. Từ năm 2008 đến năm 2013, đã phát hiện, đình chỉ trợ cấp 7.085 trường hợp, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 75,5 tỷ đồng. Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự 1.762 người.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo. Chính sách còn dàn trải, chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Hiện nay, có khoảng trên 70 chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung chính sách còn chưa kịp thời đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Về chính sách giảm nghèo, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp "cho không" đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo….
Đề nghị có cơ chế kiểm tra, thanh tra, phân công, phân nhiệm cụ thể
Thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5, đa số đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp vừa qua. Kết quả đạt được đáng ghi nhận, về cơ bản đã tạo được những chuyển biến nhất định trong các lĩnh vực phụ trách.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước. Đây là lần đầu tiên và điểm mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Cùng với việc ban hành các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp, hoạt động này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, nhưng do nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do trước hết từ khâu quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết cho đến cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hệ thống pháp luật chưa thống nhất. Ngoài ra cũng do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, thiên tai, bão lụt... nên các ngành, các lĩnh vực chưa thực hiện được tất cả những yêu cầu của Quốc hội đặt ra trong các nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn. Trong số 10 lĩnh vực thuộc các bộ và 1 lĩnh vực thuộc ngành tư pháp còn tồn tại nhiều nội dung chưa hoàn thành, trong đó nổi lên ở một số ngành, lĩnh vực như công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, còn có lĩnh vực để xảy ra vấn đề gây bức xúc trong dư luận và nhân dân như vấn đề bão lụt, xả lũ, liên quan đến thủy điện và lĩnh vực y tế.
Báo cáo của Chính phủ cũng có mặt chưa nêu rõ được sự khác biệt trước và sau khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội, có điểm còn chung chung, thiếu số liệu minh họa, nên việc đánh giá việc thực hiện chưa được rõ. Một số nguyên nhân của hạn chế, yếu kém chưa được phân tích, đánh giá một cách toàn diện, các nguyên nhân, hạn chế về quán triệt, tổ chức thực hiện, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật là những nguyên nhân chính mang tính chất quyết định còn chưa rõ và thiếu tính khả thi.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục chủ động hơn nữa để thực hiện cho được những yêu cầu ghi trong nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước. Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục quán triệt, chỉ đạo sát sao, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo chặt chẽ các địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp của Chính phủ, các giải pháp nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Có cơ chế kiểm tra, thanh tra, phân công, phân nhiệm cụ thể, cần có các tiêu chí cụ thể về thời gian, tiến độ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.
Về hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, tập trung rà soát hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực để sớm ban hành các văn bản, trong đó có các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn thiếu. Tập trung xử lý các văn bản chồng chéo, gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm các quy định cụ thể, rõ ràng và rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành.
Về nguồn lực, đề nghị tiếp tục tập trung nguồn lực tài chính và nhân lực trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Trong điều kiện còn khó khăn, kinh phí cần sử dụng có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ để bảo đảm thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
Ánh Tuyết
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình