Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ thị của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm tăng trưởng đạt 8% trở lên

PV

Chủ nhật, 02/03/2025 - 13:56

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng chúng ta phải quyết tâm hoàn thành để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho những năm sau tăng trưởng hai con số, với tinh thần: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa giữa thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn với phát triển trong trung và dài hạn; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm, toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân.

Phát huy tối đa các nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới, tinh thần đột phá, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Huy động mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm trọng điểm để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh, vấn đề khó, nhạy cảm.

Trong chỉ đạo, điều hành phải phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; khai thác tối đa mọi cơ hội, động lực, nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Chỉ thị đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công:

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định mới, đột phá đã ban hành, tháo gỡ, giải phóng ngay nguồn lực của nền kinh tế

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/3/2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, tái cấp vốn, lượng tiền cung ứng, phát hành tín phiếu...

Các bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, cơ chế "luồng xanh" cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động xử lý, thực hiện ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện.

Bộ Tài chính rà soát tổng thể về điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện hành nghề, thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3 năm 2025 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.

Bộ Tư pháp triển khai hiệu quả Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật" theo Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 5/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung xây dựng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương vận hành "Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật" để kịp thời phát hiện, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế nhằm bảo đảm mục tiêu kiến tạo, thúc đẩy phát triển.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội

Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 có ít nhất 3000 km đường cao tốc và trên 1000 km đường ven biển, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu, hoàn thành các thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI

Bộ Tài chính đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; tiếp tục nhân rộng cơ chế Tổ công tác làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, điều chỉnh và triển khai hiệu quả Quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện lớn, lưới điện quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập "quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi.

Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử và thu hút khách du lịch

Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; triển khai các giải pháp đồng bộ để khai thác xu hướng tiêu dùng, du lịch trong nước dịp lễ, tết.

Các bộ, cơ quan và địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, giải pháp đồng bộ để điều tiết sản xuất, kích cầu để khai thác tối đa, hiệu quả xu hướng tiêu dùng, du lịch trong nước.

Thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, tham mưu ký kết các FTA với các nước Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan, Ấn Độ Brazil…; tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi.

Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt tài chính - ngân hàng, phát triển logistics, mở rộng vận tải hàng không, đường biển; tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ và ký kết các hiệp định kinh tế số.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia sâu rộng, toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành: bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics.

Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển văn hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26, ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác truyền thông chính sách, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm