Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ số sản xuất nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm, bất động sản tiếp tục gặp khó

Hương Giang

Thứ sáu, 03/03/2023 - 11:29

(Thanh tra) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm... đều giảm hoặc tăng thấp. Trong khi, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Ảnh: N.Bắc

Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Theo báo cáo tại phiên họp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát 2 tháng qua đã được “kiểm soát ở mức phù hợp”. Chỉ số CPI giảm từ 4,89% trong tháng 1 xuống 4,31% trong tháng 2.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,82 tỷ USD; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu; đời sống người dân tiếp tục cải thiện…

Áp lực điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tiếp tục chậm lại.

Tính chung 2 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), thấp nhất trong cùng kỳ 2 tháng từ 2001 đến nay

Đáng lưu ý, hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm... đều giảm hoặc tăng thấp. Cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%.

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đều giảm, lần lượt là 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng (4,2%), nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác như: Mỹ (giảm 21 %), Hàn Quốc (giảm 5,7%), ASEAN (giảm 7,9%), EU (giảm 4,2%), Nhật Bản (giảm 5,9%)...

“Áp lực điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh gia tăng...", theo nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vì vậy, bộ này cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc cải thiện nguồn cung trong nước, tác động đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể làm tăng áp lực lạm phát khi nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng nhanh.

Tiếp tục gỡ khó về bất động sản, tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Với thị trường, doanh nghiệp bất động sản, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

“Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, nhưng cũng cần thận trọng trước các diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minnh Chính cũng đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...

Tinh thần lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, tác động lan tỏa, truyền cảm hứng để làm các công việc khác - Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, tập trung phân tích kỹ lưỡng, dự báo sát tình hình sắp tới, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng kinh tế quý I đối mặt với thách thức lớn, tạo áp lực điều hành và phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm.

Các giải pháp trọng tâm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là, chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công.

Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.

Cạnh đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết, nhất là khi điều chỉnh giá các nhóm hàng ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân như giá điện, nước, y tế...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm