Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 23/12/2019 - 22:19
(Thanh tra)- “Chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù doạ doanh nghiệp (DN) mỗi khi DN có sai sót hay có bất đồng. Điều này không thể chấp nhận được. Chúng ta phải bảo đảm rằng, tất cả ý kiến của DN đều phải được lắng nghe”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với DN với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ DN - Hội nhập, hiệu quả, bền vững".
Yếu kém của DN có “trách nhiệm của Nhà nước”
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, số DN đăng ký thành lập mới tăng liên tục từ đầu nhiệm kỳ. Trung bình mỗi năm có thêm hơn 126.000 DN. Năm 2019 dự kiến đạt 136.000 DN lập mới, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn DN.
"Niềm tin, kỳ vọng của các DN và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể”, ông Dũng nói và cho hay, tỷ trọng DN quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số DN, tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%.
“Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các DN Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, DN tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, sự phát triển và đóng góp của DN đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, DN vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các “điểm nghẽn” trong phát triển.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Ngược lại, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần “trách nhiệm của Nhà nước”.
“Chính phủ hiểu rằng, bên cạnh thành công, các DN Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn DN giải thể, ngưng hoạt động, phá sản. Đã có nhiều DN, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, các DN chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế…
“Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương”, Thủ tướng nói và cũng đề nghị, DN hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại hội nghị. Ảnh Quang Hiếu
“Đừng chỉ nhìn vào những chiếc áo vest hào hoáng”
Tiếp xúc và làm việc với một số địa phương, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam thấy, nhiều nơi, đặc biệt là các sở, ngành còn bàng quan, vô cảm trước khó khăn của DN.
"Họ chưa xem khó khăn của DN là của mình", ông Tuấn nói. Vì vậy, ông mong muốn "cán bộ, công chức đã dấn thân vào con đường công chức, hãy làm việc một cách có lương tâm, danh dự và trách nhiệm".
Theo vị chuyên gia kinh tế này, đằng sau những thành công, DN cũng phải vất vả, khó khăn, suy tư, trăn trở.
“Đừng chỉ nhìn vào những chiếc áo vest hào hoáng của họ vì đằng sau đó có thể là những giọt mồ hôi, nước mắt”, ông Tuấn Anh kỳ vọng, cán bộ Nhà nước “sẵn sàng thức khuya, làm việc cật lực để giúp cho DN đạt được tấm huy chương vàng về mặt kinh tế” như “thức khuya, dầm mưa” để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup thì mong Chính phủ có chính sách thuế, phí để tập đoàn phát triển ôtô điện, giống Tesla.
Theo ông Quang, DN này vừa thoái vốn khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp để tập trung vào phát triển công nghiệp, công nghệ, nhất là sản xuất ôtô, dù biết đi theo hướng mới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
"Chúng tôi dự định sẽ xuất khẩu ôtô điện sang Mỹ từ năm 2021", ông Quang nói và tin rằng, việc chuyển hướng phát triển mạnh vào ôtô điện sẽ giúp giảm nguồn thải từ các phương tiện giao thông, cũng như cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) lại đề cập tới tiếp cận vốn khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông cho hay, nhiều ngân hàng thương mại e ngại cho vay, trong khi tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn.
"Quy mô lớn là một điểm mạnh và cơ hội trong thời gian tới", ông nói, và nhấn mạnh, các DN nông nghiệp rất cần nguồn vốn lớn để sản xuất quy mô lớn, toàn cầu.
“Chính phủ cam kết rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ảnh: Quang Hiếu
“Tuyệt đối không được có tư duy tham lớn, bỏ nhỏ”
Lắng nghe các ý kiến của DN, kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tháo gỡ ngay các rào cản, nhất là tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, giảm chí phí…
“Cấp chuyên viên còn nhũng nhiễu, chậm trễ lắm, cứ đá qua, đá lại hoài. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát cái này. Đi liền với đó là chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù doạ DN mỗi khi DN có sai sót hay có bất đồng. Điều này không thể chấp nhận được. Chúng ta phải bảo đảm rằng, tất cả ý kiến của DN đều phải được lắng nghe”, Thủ tướng nêu rõ, loại bỏ những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, trình độ yếu kém gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn các địa phương thì phải mạnh mẽ đổi mới tư duy, năng lực quản lý Nhà nước để tương thích với mặt bằng, nhu cầu của DN, nhà đầu tư; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực sự.
“Chống phân biệt đối xử kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế Nhà nước với tư nhân, DN với hộ tư nhân cá thể, DN lớn với DN nhỏ… Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, tham lớn, bỏ nhỏ”, Thủ tướng nói.
Với cộng đồng DN, Thủ tướng kêu gọi, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác tương trợ trên thương trường; phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc… để cùng nhau “vươn ra biển lớn”.
Cùng với đó, chủ động đổi mới, tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ; tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ; “nói không với các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
“DN Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là đưa hối lộ”, Thủ tướng nêu rõ và đích thân mời cộng đồng DN cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực môi trường, văn hoá kinh doanh.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng cam kết, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, trực tiếp hỗ trợ hợp lý với tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa những cải cách tích cực; rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh; xoá bỏ những rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội cho khu vực tư nhân.
“Mỗi một lãnh đạo cơ quan hành chính ở Trung ương đến địa phương cần ý thức trọng trách và cương vị của mình trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, không được làm méo mó thị trường”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu.
Thành tựu kinh tế xứng đáng được “huy chương vàng”
Thông tin với cộng đồng DN, Thủ tướng cho hay, năm 2019, tăng trưởng của Việt Nam sẽ trên 7%, một trong những nước tăng trưởng cao nhất châu Á và thế giới.
Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục, trên 9 tỷ USD. Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán đích 500 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục chưa từng có. Thu hút dòng vốn quốc tế tiếp tục tăng cao, trên 32 tỷ USD, giải ngân trên 17,7 tỷ USD, con số cao nhất trong các năm gần đây.
Thủ tướng nhấn mạnh, đạt được những thành tích có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN. Theo Thủ tướng, "không thể có DN tầm cỡ nếu thiếu những cá nhân xuất sắc. Không thể có quốc gia hùng cường nếu thiếu những DN tầm cỡ".
Nhắc đến 98 huy chương vàng mà đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được tại SEA Games 30, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, tấm huy chương thứ 99 dành cho thành quả kinh tế năm 2019.
“Với tăng trưởng kinh tế trên 7% như Thủ tướng phát biểu, cộng với rất nhiều thành quả khác về kinh tế, xã hội, chúng ta xứng đáng đạt được tấm huy chương vàng trên phương diện kinh tế”, ông Anh Tuấn nói và nhấn mạnh, chúng ta đang có “một Việt Nam hùng cường”.
DN mía đường lo mất thị trường nội địa
Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Nhưng sau đó, thời hạn này được lùi lại 2 năm để các DN mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.
Khi chỉ còn hơn chục ngày nữa tới thời hạn này, các DN mía đường trong nước, trong đó có Tập đoàn Thành Thành Công vẫn lo lắng sẽ mất thị phần nội địa nếu thuế giảm.
"Vì uy tín của ngành mía đường Việt Nam và thị trường 90 triệu dân Việt Nam, chúng tôi mong Thủ tướng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ để nông dân tồn tại được trên mảnh đất của họ", Ông Đặng Văn Thành,Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công nêu.
Đáp lại sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời hạn thuế ATIGA có hiệu lực từ 1/1/2020 là "không thể lùi thêm được nữa". Theo Phó Thủ tướng, ngành mía đường trong nước đang đứng trước thách thức rất lớn khi hội nhập. Song ông Huệ đề nghị, các DN mía đường phải “cải cách mạnh mẽ để thích ứng".
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC