Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 06/03/2025 - 10:02
(Thanh tra) – Theo định hướng, sẽ sáp nhập tỉnh, mở rộng quy mô cấp xã, bỏ cấp huyện. Số liệu cho thấy, hiện cả nước có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã với tổng số cán bộ, công chức cấp xã cần có sau năm 2023 là hơn 228.000 người.
Tại cuộc họp chiều 5/3, Thường vụ Đảng ủy Chính phủ thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (gồm các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. Điều này có nghĩa, sẽ bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã.
Hiện Đảng ủy Chính phủ cũng thảo luận về các phương án dự kiến sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh. Còn đơn vị hành chính cấp xã cũng đang được tính toán để tiếp tục sáp nhập.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày 5/3, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách được Thủ tướng đề cập là tập trung hoàn thành đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị để trình cấp có thẩm quyền.
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra định hướng, sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử - văn hóa; không tổ chức cấp huyện; giảm đầu mối để mở rộng quy mô của cấp xã; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan.
Đảng ủy Chính phủ thống nhất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (gồm các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. Ảnh: N.Bắc
Trước đó, tại Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Đảng uỷ Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Quốc hội, Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ, với cấp xã, cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.
Cả nước có 10.035 đơn vị cấp xã
Khoản 2, Điều 8: Việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;
c) Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
đ) Phải căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;
b) Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.
(Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi)
Những năm gần đây, cả nước đã tiến hành 2 đợt sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào các năm 2019 – 2021 và 2023 – 2025.
Qua 2 đợt sắp xếp, sáp nhập này, hiện cả nước có 63 tỉnh, thành; 696 đơn vị hành chính cấp huyện; 10.035 đơn vị hành chính cấp xã.
Thống kê từ Bộ Nội vụ cho thấy, giai đoạn 2019 – 2021, cả nước có 212.606 cán bộ, công chức cấp xã. Tại thời điểm này, 82,3% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học.
Nghị định số 33/2023 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tăng theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Căn cứ vào quy mô về dân số và diện tính tự nhiên lúc này thì cả nước cần có 221.202 cán bộ, công chức cấp xã, tăng 7.418 người so với trước đó. Giai đoạn sau năm 2023, cả nước cần có 228.620 cán bộ, công chức cấp xã.
Hiện cấp xã có 6 chức danh công chức: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.
Cán bộ cấp xã gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Bí thư Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
Rà soát số lượng, chất lượng cán bộ cấp xã
Để thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện, nhiều chuyên gia lưu ý cần chuẩn bị một số điều kiện cho cấp xã, trong đó đặc biệt là trình độ của cán bộ, công chức cấp xã.
Tại Nghị định 33/2023 cũng nêu rõ tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã theo khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác và nhiệm vụ theo bản mô tả công việc của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm).
Mới đây, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc rà soát, báo cáo số lượng và chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát, báo cáo về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã (tính đến ngày 31/12/2024).
Các tỉnh, thành gửi báo cáo về Bộ Nội vụ trước ngày 10/3/2025 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Lộ trình xây dựng đề án sáp nhập tỉnh, mở rộng quy mô cấp xã, bỏ cấp huyện
Chậm nhất ngày 9/3: Đảng ủy Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng.
Chậm nhất ngày 12/3: Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương.
Trước ngày 27/3: Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trước ngày 7/4: tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương).
Điều 9. Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính
1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
(Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 25/3/2025 kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
T. Minh
(Thanh tra) - Ngày 26/3, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị quán triệt Công văn số 43-CV/BCĐ, ngày 20/3/2025 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trương Quốc Huy chủ trì hội nghị.
Chính Bình
Hải Hà
Hương Giang
Minh Tân
T. Minh
Thùy Dương
Trần Lê
Hoàng Nam
Trần Quý
Nguyễn Điểm
Bùi Bình
Phúc Anh
Hoàng Nam
Phương Anh