Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quy định cụ thể, bảo đảm tính độc lập của hoạt động thanh tra

Hương Giang

Thứ hai, 29/08/2022 - 09:56

(Thanh tra) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, với Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần quy định cụ thể các khâu của quy trình thanh tra, việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra tuân thủ đúng pháp luật, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Ảnh: P.Thắng

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo thông báo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tích cực, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm tiến độ theo quy định.

Tán thành giữ thanh tra huyện, lập cơ quan thanh tra tại tổng cục, cục

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cơ bản tán thành các nội dung của dự thảo luật đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, báo cáo tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.

Cụ thể là 5 nội dung:

Quy định hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó cần tiếp tục củng cố, kiện toàn thanh tra huyện để có đủ năng lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao;

Thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ đáp ứng các tiêu chí luật định; đồng thời, phân định rạch ròi thẩm quyền với thanh tra bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Cơ quan thanh tra chuyên ngành được thành lập theo quy định của luật tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao của địa phương.

Bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về cơ chế phối hợp, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và với hoạt động kiểm tra, kiểm toán.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X

Tránh khoảng trống pháp luật với hoạt động thanh tra

Thường trực Ủy ban Pháp luật được giao tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Cùng với đó, phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Cơ quan thường trực của Quốc hội lưu ý, cần làm rõ và quy định chặt chẽ trách nhiệm, thẩm quyền, quan hệ công tác giữa thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra và đoàn thanh tra; quy định cụ thể các khâu của quy trình thanh tra, việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của đoàn thanh tra, hoạt động thanh tra tuân thủ đúng pháp luật, không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra; rà soát quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, việc trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Vấn đề nữa là tiếp tục rà soát quy định của các luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ, trong đó lưu ý việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cần gắn với quá trình sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo chương trình, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 7/9 tới đây.

Sau đó, dự thảo luật tiếp tục được tiếp thu, hoàn chỉnh để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm