Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 22/03/2013 - 23:42
(Thanh tra) – Hôm nay (22/3), trong ngày cuối phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn cả ngày để chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bế mạc phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Mục đích của việc tiến hành chất vấn này theo quy định của pháp luật đối với các đồng chí trưởng ngành và bộ trưởng là nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước chúng ta để có thể tiến hành triển khai các công việc phục vụ nhân dân tốt hơn.
Án còn tồn đọng nhiều, nhưng chậm xử lý
Đặt câu hỏi với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, các đại biểu Quốc hội tập trung vào hai nhóm vấn đề - về các giải pháp để khắc phục sự hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở các tòa án địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử và công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án nhân dân các cấp, biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử.
Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) chất vấn năm 2012 việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã đạt đến mức 60% , có nghĩa 40% đơn khác chưa được xem xét, đề nghị cho biết lý do tại sao chỉ đạt được như vậy và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?
Lý giải thực trạng trên, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, hiện nay với tình trạng đơn nhiều như thế này thì việc kháng nghị Giám đốc thẩm, chiếm tỷ lệ khoảng 10% trên số đơn đề nghị xem xét và ở cấp Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì một năm chỉ có thể xem xét giải quyết khoảng 200 vụ, nhưng số lượng kháng nghị trên 300 gần 400. Cho nên, có một tình trạng giải quyết xét xử án giám đốc thẩm là không kịp, không đủ thời gian vật chất để giải quyết hết những vụ án này. Giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng hiện tại vẫn là làm sao nâng cao chất lượng xét xử để việc phải kháng nghị ít đi và xây dựng quy định của pháp luật về những vấn đề là căn cứ để giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm chặt chẽ hơn.
Về kết quả giải quyết xét xử các vụ án hành chính thời gian qua, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc giải quyết các vụ án hành chính, chất lượng chưa cao và còn chậm, đó là một thực tế cần khắc phục vì đây là loại án khó. Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ khắc phục tình trạng này.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề có hay không việc chạy án tham nhũng, khi tỷ tệ án treo, mức án nhẹ đối với tội phạm này còn nhiều. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thẳng thắn nêu hiện nay có nhiều vụ án liên quan tới việc cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, chạy án. Bên cạnh đó tỷ lệ án hủy, án sửa, án bị kháng cáo, kháng nghị cũng không hề nhỏ. Chất lượng các bản án chưa cao, đã làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành tòa án. Để xảy ra tình trạng trên phải chăng là do công tác quản lý cán bộ của ngành tòa án có vấn đề. Trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này thuộc về ai. Tòa án nhân dân tối cao đã có những biện pháp xử lý cụ thể đối với vấn đề này như thế nào.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định: Việc đại biểu Vinh nêu ra đều là hiện tượng có thật. Đây là thực tế đòi hỏi phải có thời gian mới khắc phục được bằng nhiều giải pháp. Giải thích thêm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, Tòa án chỉ xét xử những vụ án mà Viện kiểm sát đã đưa ra truy tố và có cáo trạng, trên cơ sở đó Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Tòa án mở phiên tòa xét xử. Việc các vụ án tham nhũng đưa ra xét xử còn ít hay nhiều liên quan đến trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát và việc phát hiện, điều tra của cơ quan điều tra. Đối với việc xét xử cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao mà nhiều đại biểu phản ánh, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã ra nghị quyết và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra ráo riết, quyết liệt vấn đề này. Hàng năm Tòa án Nhân dân tối cao tiến hành nhiều lần thanh tra riêng về chuyên đề này. Mặt khác, việc xét xử của Tòa án căn cứ vào cáo trạng và việc truy tố của Viện kiểm sát. Những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua đều áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu cầm đầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi, Nghị quyết 37 của Quốc hội, đồng chí Chánh án có tổ chức thực hiện có được không, có đảm bảo không. Có mấy chỉ tiêu sau: Không để xảy ra trường hợp kết án oan người phạm tội; chấm dứt việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng để án quá hạn luật định; khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ rang; nâng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khắc phục tình trạng trả lời không có căn cứ kháng án; bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn 100%. Quyết định thi hành án hình sự là phải trả lời và ra quyết định đúng hạn; nâng tỷ lệ tranh tụng tại phiên tòa, tức là xét xử phải có tranh tụng, tranh tụng phải có luật sư. Nếu thực hiện được 8 chỉ tiêu này thì chất lượng công tác xét xử của tòa án sẽ lên cao, chất lượng cán bộ của ngành tòa án sẽ lên cao, do vậy tiêu cực, nhũng nhiễu cũng đỡ, oan sai cũng đỡ. Vậy nghị quyết này đồng chí Chánh án có thực hiện được không?
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã biểu thị quyết tâm cao bằng lời hứa cố gắng thực hiện gần đạt 100%, còn khoảng phần trăm nào đó chưa đạt, Chánh án xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội.
Ngành Giáo dục và đào tạo cần đổi mới căn bản, toàn diện
Những vấn đề “nóng” xoay quanh làm thế nào đổi mới một cách căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó chất lượng GD-ĐT, chỉ tiêu cho các trường ĐH ngoài công lập, chấn chỉnh việc học thêm, dạy thêm… đã được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận
Liên quan đến chất lượng đào tạo khi mà hàng nghìn sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và nhiều đại biểu khác yêu cầu Bộ Giáo dục làm rõ trách nhiệm quản lý và đưa ra giải pháp.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, nguyên nhân là do "cung", "cầu" không gắn với nhau, chưa gắn các trường với thị trường lao động, quy mô đào tạo chưa được cân đối, ví dụ như ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính. Mặc dù, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp để cải tiến chất lượng giáo dục thông qua những phong trào: “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… cũng như đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, chất lượng học tập của người học…Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn còn những bất cập, yếu kém và chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập với thế giới. Chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các tỉnh, thành phố lớn với các vùng, miền khó khăn vẫn còn giãn rộng, trình độ giáo viên tại các địa phương còn chênh lệch…Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân là do chất lượng giáo dục chưa tốt nên sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp. Trong khi đó, sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và các cơ quan, doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên ra trường còn khó khăn. Ngành GD-ĐT còn lúng túng trong quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm, sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại quy hoạch các trường đại học, tính toán lại quy mô đào tạo theo hướng ưu tiên chất lượng, sắp xếp lại các ngành nghề mà xã hội đang cần cũng như có những giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương khó khăn.
Chất vấn vị đứng đầu ngành GD- ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề dạy tiếng Việt, dạy chữ cho cộng đồng 4 triệu người Việt ở nước ngoài, nhất là đối với các thế hệ sau. "Đồng bào ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời nhưng tình trạng mù chữ, không biết nói, viết tiếng Việt rất nghiêm trọng. Bộ trưởng có chấm dứt được tình hình này không, bằng cách nào?
Trả lời câu hỏi “hóc” của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Luận cho rằng việc dạy tiếng Việt cho kiều bào phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Bộ Giáo dục sẽ bằng mọi giải pháp, công cụ và phương tiện, cũng như đẩy mạnh phối hợp với các bộ ngành liên quan để đưa chương trình này đến cho cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, Bộ không có đủ điều kiện để khẳng định đến năm nào tất cả các cháu, nhất là thế hệ 3-4 đạt được kết quả như câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội".
Việc dạy thêm, học thêm tràn lan, khó kiểm soát đã ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giáo viên và sức khỏe của học sinh. Một số đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ những giải pháp để giải quyết tốt hơn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Đề cập thẳng vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, việc dạy thêm, học thêm tràn lan là do chương trình giảng dạy còn quá nặng, dẫn đến nhiều gia đình nghĩ rằng cần phải cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc giảm tải chương trình học, sắp xếp lại nội dung chương trình sách giáo khoa sao cho phù hợp với các cấp, bậc học. Đồng thời, Bộ sẽ kiểm tra việc giảng dạy ngoài giờ tại các địa phương và lắng nghe ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của các địa phương để khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng làm rõ các vấn đề liên quan đến đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; sự xuống cấp của đạo đức học đường, giải pháp kiểm soát chất lượng, in ấn sách tham khảo…
Ánh Tuyết
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thủ tướng nêu rõ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện tái tạo phải minh bạch, không gây sách nhiễu, nghiêm cấm “chạy chọt”, tiêu cực, tham nhũng.
Hương Giang
20:49 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Hải Hà
17:54 12/12/2024N. Phó
16:05 12/12/2024Hương Giang
TC
Thái Hải
Thu Huyền
Trọng Tài
Thu Huyền
Cảnh Nhật
Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải