Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp có dám lên tiếng bảo vệ người lao động?”

Hương Giang

Thứ ba, 18/06/2024 - 14:37

(Thanh tra) - “Cán bộ công đoàn ở trong doanh nghiệp hưởng lương từ chủ sử dụng lao động, có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của họ bị xâm phạm hay không?”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Vấn đề này được đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông đặt ra trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự án Luật Công đoàn sửa đổi, sáng 18/6.

Cán bộ công đoàn hưởng lương từ doanh nghiệp thì luôn chịu sức ép

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả.

Việc này để cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó, theo ông Thông.

Nhìn từ thực tế, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đánh giá hoạt động công đoàn cơ sở thời gian qua có nhiều lúng túng, kém hiệu quả, vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt.

“Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động. Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Theo ông Thường, cần cơ chế để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động về tổ chức, chủ động về tài chính và chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất cho phép sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở; quy định doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên có ít nhất 1 cán bộ công đoàn chuyên trách.

Cùng với đó xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.

Chính phủ quy định thu, sử dụng kinh phí công đoàn để minh bạch

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo luật tiếp tục duy trì quy định 2% kinh phí công đoàn, nhưng bổ sung quy định về phân phối phí này theo 2 phương án.

Phương án 1 quy định kinh phí công đoàn 2% “được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.

Phương án 2 quy định, kinh phí công đoàn 2% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chọn phương án 1. Theo ông, thực tiễn cho thấy nếu quy định một tỷ lệ xác định phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như phương án 2 sẽ gây khó khăn, không khả thi để áp dụng.

Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong mỗi giai đoạn…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng nên giao Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn, không chỉ tổ chức “đại diện của người lao động” như dự thảo nêu.

“Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn”, ông Thường nhấn mạnh.

Với phương án này, theo ông Thường, Nhà nước sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn. Còn Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn.

Không quy định “cứng” tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn

Cũng này tỏ tán thành dự luật quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chọn phương án 2, để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở, đại biểu đoàn Hải Dương đề xuất không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75%.

Thay vào đó, bà Nga đề nghị, chỉ nên quy định tỷ lệ “tối thiểu” và “tối đa” theo hướng: “Kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị không quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%”.

Việc này để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy quy mô của tổ chức công đoàn hoặc địa bàn, theo ông Thông.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, theo tổng hợp báo cáo của các cấp công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích luỹ đến ngày 31/12/2023 khoảng 43.211 tỷ đồng (tính theo niên độ tài chính).

Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích luỹ của công đoàn cơ sở là 12.373 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích luỹ của hệ thống Công đoàn.

Số dư tài chính công đoàn tích luỹ của 3 cấp còn lại là 30.837 tỷ đồng (gồm: Dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỷ đồng; dư tại liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương là 15.355 tỷ đồng; dư tại Tổng Liên đoàn Lao động là 6.789 tỷ đồng). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm