Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 30 năm chỉ chia tách, tăng 25 tỉnh, giờ quay ngược giảm thì “rất khó, phức tạp”

Hương Giang

Thứ hai, 12/09/2022 - 16:37

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính là mới, khó, rất phức tạp vì trong 30 năm (từ 1986-2015) hầu hết địa phương chỉ thực hiện chia tách.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Đ.X

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến kết quả giám sát “việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Theo báo cáo giám sát, sau 3 năm sắp xếp đã giảm 8 huyện và 561 xã. Tổ chức bộ máy trong hệ thống ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu. Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện.

Giảm biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính là mới, khó, rất phức tạp vì trong 30 năm (từ 1986-2015), hầu hết địa phương chỉ thực hiện chia tách.

Theo bà Trà, trước năm 1986, cả nước chỉ có 38 tỉnh, nhưng từ đó đến 2015 đã lên đến 63 tỉnh, thành (tăng 25 tỉnh). Tương tự, đến 2015, cả nước có 713 huyện (tăng 183 huyện).

“Khi đang trong một xu thế tăng, bây giờ ta quay ngược lại, sắp xếp giảm thì thực sự đây là một vấn đề rất lớn về tư tưởng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói, nếu không giải phóng được tư tưởng thì “rất khó thực hiện”.

Bên cạnh những khó khăn, theo bà Trà, cũng có những thuận lợi trong sắp xếp đơn vị hành chính và chúng ta đã đạt được mục tiêu tinh gọn. “Sau sắp xếp, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là con số có thể nói mang tính lịch sử”, bà Trà chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, qua sắp xếp đã giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện; 32,6% biên chế công chức cấp xã; giảm 56,4% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Từ đó, đã giảm chi ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng.

“Bài toán lớn nhất là giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Chúng tôi sẽ tập trung rất cao vào nhóm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập kịp thời. Sắp xếp tốt chỗ này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp giai đoạn tới”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị hành chính phải rõ ràng, trong đó phải làm rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như thế nào, vì sao đến nay còn tồn đọng nhiều thế.

“Theo số liệu là đến năm 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã chưa giải quyết xong và còn đến mấy trăm biên chế của cấp huyện”, ông Vương Đình Huệ nói.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, chúng ta đã làm tổng thể rất nhiều việc sắp xếp tổ chức bộ máy nên đã tinh giản được biên chế, cơ cấu lại đội ngũ và hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông, tinh giản biên chế ở cấp xã đã giải quyết được gần 70% trong vòng 1 năm, mà nghị quyết cho phép là 5 năm nên kết quả đạt được là “rất tích cực”. Còn với cấp huyện còn 415 người (khoảng 60%).

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét sửa Nghị định 108 để làm sao có thể đưa ra một chính sách thoả đáng để khuyến khích và giải quyết đảm bảo quyền lợi của cán bộ dôi dư.

Trước 1 tách thành 3, giờ nhập 3 thành 1 thì TP Thủ Đức thuộc đơn vị hành chính loại gì?

Một vấn đề nữa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tiêu chí để sắp xếp những đơn vị hành chính như TP Thủ Đức.

Ông cho hay TP HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho Thủ Đức vì “cái áo chật quá”. Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập TP trong TP thì căn cứ pháp luật, tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào?

“Khi ban hành nghị quyết thành lập TP Thủ Đức nói đây là đon vị hành chính cấp quận thôi. Có người nói nó phải là trên cấp quận, dưới cấp TP. Trước 1 tách thành 3, giờ nhập 3 thành 1. Vậy đây là loại gì trong hệ thống đơn vị hành chính?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Ông cũng cho hay tại cuộc làm việc hôm trước, TP HCM có đề nghị rất chính đáng, đề xuất nên nghiên cứu cơ chế, chính sách hoặc thể chế cho TP Thủ Đức và tới đây có mô hình TP thuộc TP.

“Nghị quyết giám sát có làm rõ nội dung này không hay để ngỏ? Tới đây làm tiếp thế nào?”, ông Vương Đình Huệ hỏi.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay việc thành lập TP. Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận là “mô hình khuyến khích”. Đây cũng là mô hình mới “TP trong TP” quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Từ thực tiễn và qua trao đổi với TP HCM, ông Thăng nói, “đúng là quản trị trên địa bàn cần phải xem xét”. Ngoài ra là vấn đề phân cấp, phần quyền như thế nào trong mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay bộ này đang được giao xây dựng đề án mô hình đô thị dưới cấp tỉnh để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Hiện TP HCM đang nghiên cứu sửa Nghị quyết số 54 năm 2017 về cơ chế đặc thù cho TP, trong đó có vấn đề về TP Thủ Đức. “TP Thủ Đức là đô thị dưới cấp tỉnh nhưng có thể có cơ chế như thế nào về phân cấp, phân quyền cho phù hợp”, ông Thăng nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Đ.X

Thông tin thêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, TP Thủ Đức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập theo đề xuất của Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 quận.

Việc sáp nhập này thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về đơn vị hành chính.

Theo ông Tùng, quá trình thẩm tra khi đó, Uỷ ban Pháp luật đã nêu ý kiến với Chính phủ, UBND TP HCM trong việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức, để làm sao phát huy được những tiềm năng, lợi thế.

Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định TP thuộc TP trực thuộc Trung ương là đơn vị hành chính cấp huyện, do đó nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể quy định trái luật.

“Ở thời điểm đó, Chính phủ và chính quyền TP HCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng để có thể đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy khi đó, chúng ta mới chỉ quyết định thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận mà thôi, chưa có cơ chế chính sách cụ thể kèm theo”, ông Tùng nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho hay, hiện Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP HCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của TP Thủ Đức và sẽ phải báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ba khó khăn lớn khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Trong đó, theo bà Trà, khó khăn lớn nhất là làm sao giải phóng được tư tưởng để tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong các tầng lớp nhân dân.

Khó khăn thứ hai, đây là việc chưa có tiền lệ, khi triển khai lại thực hiện đồng loạt. Chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa lường hết được những khó khăn, những vướng mắc phát sinh.

Khó khăn thứ ba là về sức ép thời gian. “Gọi là ba năm nhưng thực tế chỉ thực hiện trong vòng chưa đầy một năm. Làm thế nào cuối cùng phải gói ghém được gọn trong năm 2019, đây là một sức ép rất lớn cho địa phương, các bộ, ngành”, bà Trà nhấn mạnh. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm