Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bổ sung hơn 18.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ

Thứ ba, 11/03/2014 - 19:12

(Thanh tra) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề nghị của Chính phủ quyết định bổ sung hơn 18.066 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ đối với 82/91 dự án giai đoạn 2014 – 2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 – 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng ngày 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 – 2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 – 2015 cần rà soát lại và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

82 dự án được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ


Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng số dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 - 2015 cần phải rà soát lại là 91 dự án, trong đó có 36 dự án giao thông, 35 thủy lợi, 20 dự án y tế tại 2 Bộ (Giao thông vận tải, Y tế) và 23 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Theo phương án rà soát, bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, giai đoạn 2014 - 2016, sẽ có 41 dự án được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo tổng mức đầu tư (Bộ Giao thông vận tải 2 dự án, Bộ Y tế 2 dự án, các địa phương 37 dự án) và 41 dự án hoàn thành được các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả dự án.


Sau năm 2016, chỉ còn 9 dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, phải tạm giãn, hoãn tiến độ hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, phương án rà soát và kiến nghị bố trí vốn bổ sung cho từng dự án của các bộ và địa phương cơ bản hợp lý, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không đáp ứng đủ nhu cầu, các bộ và địa phương đã tập trung để hoàn thành dứt điểm thêm 4 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huy động thêm các nguồn lực khác để hoàn thành thêm 37 dự án.


Các dự án không có khả năng bố trí, huy động đủ vốn, các bộ và địa phương đã nghiêm túc rà soát, cắt, giảm quy mô đầu tư, chưa đầu tư các hạng mục chưa thật cấp thiết, tập trung hoàn thành hạng mục chính để phát huy tác dụng dự án, đồng thời đã có văn bản cam kết huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư dự án.


Trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí hơn 1.323 tỷ đồng để hoàn thành 5 dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hơn 4.362 tỷ đồng cho 22 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô phù hợp với mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung.


Chính phủ cũng kiến nghị bổ sung hơn 8.762 tỷ đồng cho 37 dự án không điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng bộ và địa phương có văn bản cam kết huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; hơn 3.617 tỷ đồng cho 18 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư.

Đối với các dự án do Bộ Y tế có các nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp hàng năm theo quy định, vốn xã hội hóa và nguồn thu trích từ nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ, Chính phủ cam kết bố trí thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để sớm hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ, góp phần giảm quá tải các bệnh viện.


Đồng ý với kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết bổ sung hơn 18.066 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ cho 82 dự án cam kết hoàn thành và hoàn thành các hạng mục chính giai đoạn 2015 - 2016. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng cam kết và Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, tránh tình trạng đầu tư giàn trải, lãng phí như thời gian vừa qua.


“Siết” tạm trú tại khu vực đặc biệt?


Cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của Thường vụ Quốc hội là quy định tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới. 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhận định, việc cư trú của người nước ngoài tại các khu vực này là vấn đề khá phức tạp. Pháp luật hiện hành quy định việc cư trú của người nước ngoài ở khu vực biên giới được pháp luật về biên giới quốc gia điều chỉnh. Người nước ngoài cư trú ở khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế do Nghị định của Chính phủ điều chỉnh. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Nhưng đối với khu kinh tế biển, đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt thì người nước ngoài tạm trú ở đâu vẫn chưa rõ.


Tiếp thu ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã bổ sung quy định theo hướng đối với khu kinh tế biển áp dụng như khu kinh tế cửa khẩu đất liền vì các xã ven biển đều nằm trong khu vực biên giới biển. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đây là vấn đề mới đang trong quá trình thí điểm, Thường trực Ủy ban đề nghị quy định người nước ngoài được tạm trú ở các cơ sở lưu trú nhưng có cơ chế quản lý riêng do Chính phủ quy định. 

Đồng tình với quan điểm quy định việc tạm trú ở khu vực hành chính - kinh tế đặc biệt ngay trong dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng điều này là cập nhật và phù hợp với quy định của Hiến pháp, các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định tiếp, khi đã có Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có các đặc khu sẽ bổ sung thêm.


Bên cạnh đó, một số ý kiến vẫn băn khoăn về quy định tạm trú cũng như miễn thị thực quá cảnh cho người nước ngoài tại khu vực hành chính – kinh tế đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hiến pháp có đề cập đến khu hành chính – kinh tế đặc biệt, tới đây chúng ta sẽ xây dựng và có chương trình pháp luật, cơ chế chính sách cho khu này, hiện chưa có mà đã quy định là quá sớm và không hợp lý. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, khi chúng ta còn chưa thiết lập được đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, còn thiếu những hình dung cụ thể về mô hình này thì việc quy định tạm trú trong khu hành chính - kinh tế đặc biệt liệu có cần thiết và phù hợp.


Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp đã quy định rõ quyền của con người, quyền của công dân chỉ bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể, dự thảo Luật đề cập đến quyền của con người như quyền đi lại, cư trú… nếu quy định theo kiểu không rà lại kỹ sẽ là thiếu tôn trọng Hiến pháp.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm